GĐXH – Theo các bác sĩ, với các ca đột quỵ thông thường, việc đưa ra phác đồ tiêu huyết khối kết hợp với can thiệp mạch không phải là điều khó khăn. Tuy nhiên, việc áp dụng cả 2 phương pháp này trên bệnh nhân 103 tuổi là một thách thức vô cùng lớn.
Ngày 10/1, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về ca bệnh đột quỵ cao tuổi nhất từ trước đến nay được điều trị thành công tại bệnh viện.
Theo đó, 23h30 ngày 2/1/2025, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận cụ ông Đ.V.D (103, ở Hưng Yên) tuổi đến viện trong tình trạng lơ mơ, yếu nửa người phải, thất ngôn hoàn toàn.
Trước đó, vào khoảng 22h đêm, thấy cụ có biểu hiện lịm đi, chạm tay vào người thấy "mềm nhũn", gia đình dự đoán cụ bị đột quỵ nên lập tức gọi xe đưa cụ từ Hưng Yên lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Sau khi khai thác bệnh sử và đánh giá lâm sàng, các bác sĩ của Trung tâm Đột quỵ nhận định: Đây là ca bệnh đột quỵ não cấp, khởi phát trong giờ vàng. Ngay lập tức, chế độ "fast track" được khởi động và bệnh nhân được xử trí tối cấp cứu: Chụp MSCT mạch não để đánh giá nhu mô và mạch não.
Kết quả MSCT mạch não cho thấy, bệnh nhân bị nhồi máu não thùy đảo, trán trái do tắc động mạch não lớn bên trái (động mạch não giữa) đoạn M1 trái, ASPECT 8/10 điểm.
Tuy nhiên, bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng tương đương vùng tranh tối tránh sáng (vùng cứu được) lớn. Đồng thời, bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng khi tắc mạch lớn ở bán cầu não ưu thế.
Theo các bác sĩ, mỗi phút trôi qua, 1,9 triệu tế bào não của cụ sẽ bị chết, do đó can thiệp tái thông mạch não càng sớm, cơ hội cứu cụ sẽ càng cao. Trước tình thế nguy cấp, các bác sĩ lập tức hội chẩn để thống nhất phương án điều trị tối ưu cho bệnh nhân.
Với các ca đột quỵ thông thường, việc bác sĩ đưa ra phác đồ tiêu huyết khối kết hợp với can thiệp mạch không phải là điều khó khăn. Tuy nhiên, việc áp dụng cả 2 phương pháp này trên bệnh nhân 103 tuổi là một thách thức vô cùng lớn.
Bệnh nhân phải đối diện với hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn như nguy cơ tiêu huyết khối đơn thuần ít mang lại hiệu quả thông mạch vì tắc ở đoạn mạch lớn; nguy cơ tai biến khi can thiệp mạch cao vì mạch máu não người 103 tuổi có thể rất dễ vỡ và biến chứng chảy máu…
Bên cạnh đó, còn hàng loạt những thách thức khác như tiên lượng kém ở bệnh nhân 103 tuổi khi phải hồi sức sau can thiệp, đó là khó cai thở máy nếu có gây mê toàn thân và đặt nội khí quản trong quá trình can thiệp, nguy cơ nhiễm trùng, suy kiệt, loét …
Nhưng nếu không quyết định ngay, bệnh nhân cũng đối diện nguy cơ diễn biến nhanh và để lại di chứng nặng nề.
Cuối cùng, các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ quyết định phối hợp hai phương pháp điều trị tái thông mạch là tiêu huyết khối và lấy huyết khối. Sau 1 giờ can thiệp căng thẳng, động mạch não giữa trái được tái thông hoàn toàn. Bệnh nhân cải thiện triệu chứng rất tốt, tỉnh táo hơn, cơ lực nửa người phải cải thiện 3/5.
May mắn, chưa đầy 12 tiếng sau can thiệp, cụ ông đã tỉnh táo hoàn toàn. Sau 1 tuần được chăm sóc tại bệnh viện, sức khỏe ổn định, cụ ông đã được xuất viện.
Quy tắc F.A.S.T để nhận biết một người có dấu hiệu đột quỵ:
- Face (Khuôn mặt): Mặt có những dấu hiệu khác thường như cười méo miệng, rối loạn thị lực.
- Arm (Tay): Tay và chân mệt mỏi khó cử động.
- Speech (Lời nói): Nói bị líu lưỡi, không rõ chữ, không diễn đạt được.
- Time (Thời gian): Bạn cần gọi cấp cứu càng nhanh càng tốt. Khi quan sát thấy ai đó có ít nhất 1 trong 3 biểu hiện trên (lệch mặt, yếu chân tay, nói khó) hãy nghĩ đến bệnh lý đột quỵ não và lập tức gọi cấp cứu ngay, không trì hoãn.
Hãy gọi người trợ giúp, gọi ngay xe cấp cứu chuyển đến cơ sở y tế gần nhất nếu tình trạng bệnh nhân hôn mê. Nếu bệnh nhân tỉnh táo, tình trạng cho phép có thể vận chuyển bằng bất cứ phương tiện nào sẵn có để có thể chuyển đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu về đột quỵ.