PLBĐ - Các luật sư cho rằng, với cáo buộc chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung có thể đối mặt mức án cao nhất là 15 năm tù.
Liên quan đến việc khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, trao đổi với VTC News, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý hành chính, được xác định là tội phạm theo quy định tại điều 337 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, người nào cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của bộ luật này (tội gián điệp) thì bị phạt tù từ 2 năm đến 15 năm.
Luật sư Quách Thành Lực cho biết, bí mật Nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.
Phạm vi bí mật Nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc trong các lĩnh vực sau: Chính trị; quốc phòng, an ninh, cơ yếu; lập hiến, lập pháp, tư pháp - hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước; khởi tố, điều tra, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, xét xử, thi hành án hình sự; đối ngoại.
Ngoài ra, trao đổi với Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung chỉ mới liên quan đến 1 trong 3 vụ án trước đó. Do đó, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của ông Chung trong vụ án này và các vụ án có liên quan. "Nếu đủ căn cứ khởi tố tiếp về tội danh gì thì sẽ khởi tố thêm về tội danh đó để thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật”, luật sư Cường nói.
Luật sư cho rằng, vụ án vẫn đang trong giai đoạn đầu, sau khi kết thúc điều tra, hồ sơ sẽ chuyển sang viện kiểm sát để truy tố và quyền quyết định cuối cùng thuộc về tòa án trong quá trình thực hiện xét xử vụ án hình sự.
“Có thể nói rằng, so với các bị bị can bị khởi tố trong các vụ án này, ông Nguyễn Đức Chung là người cán bộ lãnh đạo có nhiều công sức trong ngành Công an cũng như trong quá trình công tác tại UBND TP. Hà Nội. Bởi vậy, khi xem xét đến trách nhiệm pháp lý, xem xét đến hình phạt, cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã sẽ cân nhắc đến “công và tội”, sẽ xem xét đến tính chất mức độ của hành vi phạm tội nhân thân người phạm tội và các tình tiết giảm tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để có mức hình phạt phù hợp trong trường hợp ông này bị kết tội”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Như đã đưa tin, ngày 28/8, Cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đã ra quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Đức Chung (SN 1967, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội) về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Sau khi Viện KSND tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên, Cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, chiều 11/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 1223/QĐ-TTg tạm đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Nguyễn Đức Chung để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày, Bộ Chính trị quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung.
Theo đại diện Bộ Công an, ông Nguyễn Đức Chung được xác định liên quan đến 3 vụ án mà cơ quan Công an đang điều tra. Cụ thể:
Vụ thứ nhấtlà buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở KH&ĐT Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Trong vụ án này, cơ quan công an đã khởi tố tổng cộng 28 bị can. Trong đó, Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) đang bị truy nã đỏ với hàng loạt tội danh khác nhau. Nhiều quan chức và cựu quan chức của Hà Nội cũng vướng vòng lao lý.
Vụ thứ hai là vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại TP. Hà Nội. Ngày 20/8 vừa qua, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Võ Tiến Hùng (Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) về tội danh trên.
Được biết, hành vi sai phạm của ông Hùng có liên quan đến việc mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn TP. Hà Nội.
Vụ thứ ba là chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước vừa được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố mới đây. Ở vụ án này, 3 bị can bị khởi tố, bắt giam gồm Nguyễn Hoàng Trung (lái xe riêng của ông Nguyễn Đức Chung), Nguyễn Anh Ngọc (Phó trưởng Phòng thư ký biên tập thuộc Văn phòng UBND TP. Hà Nội) và Phạm Quang Dũng (cán bộ Cục C03, Bộ Công an).
Hiện nay, Cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đang khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi sai phạm của các bị can trong vụ án.
Ông Nguyễn Đức Chung sinh ngày 3/8/1967, quê xã Thăng Long, huyện Kinh Môn, Hải Dương. Ông là cử nhân Đại học Cảnh sát, tiến sĩ Luật. Trước khi làm Chủ tịch TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã giữ nhiều chức vụ ở Công an Hà Nội.
Năm 2001, ông là Đội trưởng Đội Trọng án (Phòng Cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội).
Từ năm 2004 - 2007, ông là Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự rồi Trưởng phòng Cảnh sát hình sự. Ông làm Phó Giám đốc Công an Hà Nội giai đoạn 2011-2012, rồi được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an TP vào tháng 9/2012.
Tháng 9/2013, ông Nguyễn Đức Chung được thăng cấp hàm Thiếu tướng.
Tại kỳ họp HĐND TP vào tháng 12/2015, ông Nguyễn Đức Chung được bầu giữ chức Chủ tịch UBND Hà Nội.
T.H (th)