Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Người phụ nữ 46 tuổi nhận ra càng chi tiêu ít tiền, Tết lại càng vui!
Chị Bùi Linh (46 tuổi, nhân viên đồ họa ở Hà Nội), chia sẻ càng có tuổi càng nhận ra rằng dường như những năm gần đây, ngày Tết không còn sự háo hức, mong đợi như ngày xưa nữa.
"Tôi còn nhớ hồi bé, có khi từ trước Tết cả tháng trời tâm trí đã chỉ nghĩ đến nghỉ Tết rồi. Ban đầu tôi còn cho rằng chắc là mình lớn tuổi rồi nên không còn nhiều mặn mà với Tết nữa nhưng đám con cháu nhà tôi dường như cũng như vậy.", chị Linh tâm sự.
Trước đây, chị Linh từng cho rằng ăn Tết càng to thì lại càng vui, càng hân hoan. Năm nào cũng vậy, trước tết hàng tháng chị Linh đã lo lắng, tất bật sắm sửa cho Tết. "Tôi không tiếc tiền chi cho ngày Tết, có năm hết Tết rồi ngồi tính lại thấy mình tiêu hết cả 60 triệu đồng. Nhà thì không đông đúc gì, có mỗi 2 vợ chồng tôi, 2 vợ chồng thằng lớn, đứa con gái út và 1 cháu nội", chị Linh kể.
3 năm trước, kinh tế khó khăn hơn, chị Linh bàn với cả nhà Tết tiết kiệm chút và sau 2 năm đầu đó, chị Linh cảm thấy mọi thứ đều rất ổn, không thiếu thốn cái gì, mọi thứ đủ đầy.
"Vì muốn gia đình giữ được những cảm xúc thiêng liêng của ngày Tết đoàn viên nên tôi đã có những thay đổi trong việc chuẩn bị cho ngày Tết và sau 3 năm thay đổi, tôi nhận ra rằng cứ cái Tết nào càng chi tiêu ít tiền thì cái Tết đó lại càng vui", chị nói.
Năm nay, chị Linh dự định vẫn sẽ chi như vậy nhưng sẽ chủ động mua sắm 1 số đồ sớm hơn 1 chút và lên danh sách đồ phải sắm chi tiết hơn để đỡ thiếu cái này cái kia, sát Tết mua cái gì cũng đắt đỏ hơn.
Chi tiêu ít đi đồng nghĩa với nhiều thứ sẽ đơn giản hơn, chị Linh có nhiều thời gian nghỉ ngơi và chăm chút cho con cháu cũng như sắp xếp lại nhiều thứ trong nhà. Tết vui, không áp lực tiền bạc, con cái không cần lo chuyện phải biếu bố mẹ thì tự nhiên mọi người đều vui vẻ cả. Ăn uống đơn giản vừa phải nên không thừa mứa, đến bữa vẫn thấy muốn ăn chứ không phải ngấy đến tận cổ.
Chị Linh thấy rằng việc không quá nặng nề ăn uống ngày Tết không những tiết kiệm được tiền bạc mà còn tiết kiệm được cả công sức và thời gian. Với gia đình chị, Tết là dịp để nghỉ ngơi và dành cho gia đình, không nên vì chuyện chi tiêu mà khiến cho ngày Tết giảm bớt đi niềm vui.
Đồ mặn: 3,5 triệu đồng
- 2 con gà: 500.000 đồng
- 3 kg thịt lợn: 300.000 đồng
- 2 kg thịt bò: 500.000 đồng
- Giò: 300.000 đồng
- Bánh chưng: 200.000 đồng
- Đồ nhúng lẩu: 400.000 đồng
- Đồ khô (măng, nấm, miến, bóng bì...): 200.000 đồng
- Rau củ: 300.000 đồng
- Đồ gia vị: 150.000 đồng
- Phát sinh: 500.000 đồng
2. Đồ ăn vặt: 1 triệu đồng
Khoản này để mua đồ bày tiếp khách như hướng dương, bánh kẹo, ô mai...
3. Đồ uống: 500.000 đồng
Đồ uống chỉ mua một ít bia rượu và chủ yếu là trà, cafe để tiện tiếp khách.