Sau hơn 10 ngày diễn ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, cổ phiếu RAL của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) tưởng như đã có thể “cầm máu” và hồi phục trở lại nhờ lực cầu bắt đáy của giới đầu tư, tuy nhiên, mã này lại có những diễn biến rất bất ngờ và đầy gay cấn.
Giá cổ phiếu “phập phù” theo thông tin vụ cháy
Cụ thể, trước khi vụ cháy xảy ra vào cuối chiều ngày 28/8 thì trong phiên này, RAL vẫn tăng giá 900 đồng tương ứng 1% lên 85.280 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, RAL đã bị bán mạnh. Mã này lập tức giảm sàn, “bốc hơi 6.100 đồng mỗi cổ phiếu ngay trong ngày 29/8. RAL còn có thêm một phiên giảm mạnh, mất 5,4% còn 75.110 đồng trong phiên 30/8.
Sau đó, với những thông tin trấn an về tình trạng thiệt hại và ảnh hưởng môi trường sau vụ cháy, RAL đã có hai phiên liên hồi phục ấn tượng. Phiên 3/9 mã này tăng trần (tăng 5.400 đồng) và tiếp tục tăng 3.000 đồng trong phiên 4/9.
Vụ cháy nhà máy Rạng Đông có ảnh hưởng lớn tới môi trường.
Chiều ngày 4/9, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân công khai cho biết, có 1/12 mẫu nước mặt, được thu thập vượt hàm lượng thủy ngân 1,3 lần so với ngưỡng khống chế. Các mẫu này được thu thập trên sông Tô Lịch (chú trọng nhiều ở ngõ 320 Khương Đình – cống xả thải của nhà máy Rạng Đông). Có 1/8 mẫu nước thải tại nhà máy vượt 1,26 lần tiêu chuẩn 40 của Việt Nam.
Ngoài ra cũng có mẫu bùn thải vượt về hàm lượng thủy ngân đến 6,1 lần, cách vị trí cống xả thải của nhà máy 1 km trên sông Tô Lịch.
So với tiêu chuẩn của Mỹ, Canada thì số mẫu vượt ngưỡng tiêu chuẩn an toàn về thủy ngân lên tới 6 mẫu. Cơ quan chức năng cũng xác định hướng phát tán thủy ngân là dòng khí từ sau hàng rào nhà kho ở khoảng cách 200m, 500m, 1000m. Trong khoảng 200m, hàm lượng thủy ngân trong không khí đều nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO là ảnh hưởng sức khỏe con người.
Mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của nhà máy cũng có hàm lượng thủy ngân cao hơn các vị trí khác bên ngoài nhà máy. “Căn cứ vào khuyến cáo của WHO, Mỹ, Canada thì số mẫu vượt ngưỡng an toàn tăng lên”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết thêm.
Lãnh đạo Bộ TN&MT khái quát: “Đây là vụ cháy nổ mất an toàn về hóa chất có quy mô ảnh hưởng ở mức trung bình, gây thiệt hại rất lớn đến tài sản, gây nguy cơ với môi trường, với sức khỏe con người. Các hóa chất gây ô nhiễm môi trường xung quanh chủ yếu là thủy ngân, kim loại nặng, phát tán chủ yếu vào đất, môi trường xung quanh, lắng đọng trong trầm tích đáy sông Tô Lịch, phát tán theo dòng nước sử dụng để chữa cháy. Vùng có nguy cơ gây ô nhiễm có bán kính đến 500m, tính từ hàng rào của kho chứa sản phẩm bị cháy”.
Sau thông tin chính thức nói trên được lãnh đạo Bộ TN&MT đưa ra, thị trường lập tức có phản ứng tiêu cực đối với cổ phiếu RAL. Mã này bị bán mạnh trong hai phiên cuối tuần trước (phiên 5/9 mất 4.900 đồng/cổ phiếu và phiên 6/9 mất 3.500 đồng/cổ phiếu).
Sáng nay, RAL lao dốc mạnh. Tạm dừng phiên giao dịch sáng nay, mã này mất 2.500 đồng tương ứng 3,23% còn 75.000 đồng/cổ phiếu và trong phiên sáng, có lúc đã giảm xuống tới mức giá 72.500 đồng.
Cổ phiếu RAL diễn biến phập phù theo thông tin vụ cháy và lao dốc mạnh trong những phiên gần đây.
Lãnh đạo Rạng Đông cố tình “lấp liếm” thông tin?
Nguyên nhân khiến RAL diễn biến tiêu cực bất chấp vào ngày 24/9, doanh nghiệp này sẽ chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 với tỷ lệ “khủng” 25%. Việc xử lý khủng hoảng thiếu trách nhiệm của Rạng Đông sau khi xảy ra vụ cháy lớn ngày 28/8 đã khiến cổ đông và nhà đầu tư không khỏi thất vọng.
Cụ thể, trong ngày 6/9, Tổng giám đốc Rạng Đông đã ký một bức thư xin lỗi tới Thành uỷ, UBND Thành phố Hà Nội; Đảng uỷ, UBND Quận Thanh Xuân, UBND hai phường Thanh Xuân Trung, Hạ Đình và bà con dân cư khu vực quanh công ty.
Lời xin lỗi này bị coi là muộn màng và chưa đầy đủ vì không đề cập đến những người bị ảnh hưởng nặng nề song không phải nhân dân trong khu vực, chưa đề cập đến các phóng viên tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy và cũng không đề cập đến những công nhân của doanh nghiệp này đã trực tiếp tham gia chữa cháy cũng như phải đến công ty bắt đầu sản xuất lại bình thường ngay sau khi vụ cháy xảy ra để kịp đảm bảo đơn hàng cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, những thông báo của lãnh đạo Rạng Đông cũng bị nhận xét là không chân thành và cố tình lấp liếm những nguy hại mà vụ cháy có thể gây ra với môi trường.
Theo báo cáo ban đầu của công ty này, từ năm 2016, Rạng Đông chỉ sử dụng viên Amalgam (hỗn hợp của Hg - Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kilôgram.
“Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8/2019 cùng với quá trình đấu tranh với lãnh đạo công ty, công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng Hg lỏng, có độc tính cao hơn so với viên Amalgam, với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng,” - trích báo cáo kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường.
Ngoài ra, khối lượng hóa chất còn lại là 4.510.712 viên Amalgam với trọng lượng là 41,75kg; Hg lỏng 108,9kg (trong đó 34,3kg được bảo quản an toàn cùng với viên Amalgam trong tủ cấp đông tại khu vực bị cháy). Lượng Hg đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1kg đến 27,2kg.
Được biết, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hiện đã gửi công văn hỏa tốc đề nghị Hà Nội phối hợp xử lý sự cố môi trường vụ cháy nhà máy Rạng Đông.
Đóng cửa phiên giao dịch chiều nay, RAL nới rộng biên độ giảm so với phiên sáng, mất 2.900 đồng tương ứng 3,74% còn 74.600 đồng.
(Theo Mai Chi/Dân trí)