Biến thể BA.2.75 của Omicron có nguy hiểm không?

17/08/2022 09:55

PLBĐ - Biến thể phụ mới của biến chủng Omicron là BA.2.75 được đánh giá có tốc độ lây nhiễm cao hơn so với các biến thể trước đây.

Cục Y tế Dự phòng đã có văn bản khẩn gửi các sở y tế về việc tăng cường công tác quản lý, báo cáo trường hợp mắc COVID-19. Theo đó, hiện tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc trên thế giới và Việt Nam.

Đáng chú ý, Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron là BA.2.75 (bên cạnh BA.4, BA.5 và BA.2.12.1 đã thông tin trước đó) với khả năng lây nhanh.

Tuy nhiên, sau khi đối chiếu, rà soát lại Cục Y tế dự phòng xin đính chính như sau: ngoài biến thể phụ BA.4, BA.5, tại Việt Nam ghi nhận biến thể phụ BA.2.74, KHÔNG phải biến thể phụ BA.2.75 như đã thông tin trong Công văn.

Để tiếp tục chủ động phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả trong thời gian tới, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo thường xuyên rà soát số liệu và báo cáo kịp thời, không để tình trạng báo cáo bổ sung số ca mắc với số lượng lớn dẫn đến không phản ảnh đúng tinh hình dịch, khó khăn cho việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch.

Các đơn vị cần tiếp tục thực hiện khai báo lấy mã số bệnh nhân trên hệ thống cấp mã số tự động của Bộ Y tế ngay sau khi có kết quả xét nghiệm phát hiện trường hợp mắc COVID-19.

Ngoài ra, đơn vị cần tuân thủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo đầy đủ các trường hợp mắc COVID-19 (bệnh truyền nhiễm nhóm A) ngay sau khi có chẩn đoán đảm bảo trong vòng 24 giờ theo quy định về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng.

Biến thể BA.2.75 của Omicron mới xuất hiện tại Việt Nam có nguy hiểm không? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Biến thể phụ BA.2.75 của Omicron có đáng lo ngại?

BA.2.75 lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào đầu tháng 5. Kể từ đó, nó đã được tìm thấy ở châu Âu và Mỹ. Thống kê mới nhất cho thấy BA.2.75 đã được ghi nhận ở 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu đề cập đến dòng phụ hoàn toàn mới của Omicron trong bản tin công bố đầu tháng 7. Các chuyên gia gọi BA.2.75 là biến chủng "Omicron tàng hình", cho rằng đây là phiên bản virus tồi tệ nhất với khả năng né khỏi hệ miễn dịch nhanh chưa từng thấy.

Nhà khoa học hàng đầu của WHO, tiến sĩ Soumya Swaminathan cho biết BA.2.75 dường như đã đột biến theo cách giúp chúng thoát khỏi hệ miễn dịch một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, họ vẫn chưa có đủ dữ liệu để biết tác động của nó sẽ nghiêm trọng như thế nào.

Tiến sĩ Eric Topol - người sáng lập và giám đốc Viện nghiên cứu Scripps ở Mỹ - giải thích rằng, biến thể BA2.75 sở hữu thêm 8 đột biến so với chủng BA.5, do đó có thể né miễn dịch mạnh hơn.

Tom Peacock - nhà virus học tại Khoa Các bệnh truyền nhiễm, Đại học Hoàng gia London - cũng cho hay, protein gai trong BA.2.75 có một số đột biến chính, đáng chú ý là khả năng tăng trưởng nhanh và lây lan rộng rãi theo địa lý.

Theo một nhà virus học nổi tiếng khác, Jesse Bloom từ Viện nghiên cứu Fred Hutch (Mỹ), phân tích trình tự gene của BA.2.75 cho thấy, nó nhiều hơn 17 đột biến nucleotide so với phiên bản gốc BA.2. Ngoài ra, hai đột biến quan trọng của biến chủng là G446S và Q493R có sự thay đổi kháng nguyên đáng kể so với bản gốc.

Các cuộc điều tra trước đây phát hiện ra rằng, G446S là một trong những đột biến có lợi thế né miễn dịch mạnh mẽ. Nó có thể làm giảm hiệu quả của các loại vaccine ngăn ngừa BA.2. Ngược lại, Q493R làm tăng khả năng bám vào thụ thể ACE2 của virus. Đây là loại protein mà virus sử dụng để xâm nhập tế bào.

Trong khi nhóm các mẫu và trình tự gene vẫn còn ít, biến thể phụ BA.2.75 của Omicron đã thu hút rất nhiều sự chú ý trong cộng đồng như là "biến thể thế hệ thứ hai" đầu tiên có tốc độ lây nhiễm cao hơn hẳn so với các biến thể trước đây.

Do đó, điều quan trọng là phải giám sát và theo dõi hiệu quả biến thể này và điều tra sự phát triển của nó càng sớm càng tốt. Đồng thời, những thay đổi di truyền phức tạp hơn cũng có thể xuất hiện trong quá trình tiến hóa tiếp theo của virus.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để xác định chính xác loại biến thể phụ này có thể gây ra những gì. Các chuyên gia cho biết đeo khẩu trang và tiêm phòng vẫn là những biện pháp hữu hiệu có thể áp dụng.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.370.462 ca nhiễm COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.631 ca nhiễm).

Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là 10.035.040 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tính đến nay là 43.100 ca. Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 251.680.004 liều.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Biến thể BA.2.75 của Omicron có nguy hiểm không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO