Theo kế hoạch phát triển ngành logistics tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng hóa, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực. Phát triển hệ thống logistics dựa trên quan điểm coi dịch vụ logistics là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định phê duyệt khu vực phát triển dọc đường Vành đai 4 TP.HCM thuộc địa bàn TP.Bến Cát là khu đô thị cảng - logistics - dịch vụ quy mô khoảng 2.702,73 ha ở An Tây, An Điền và Phú An; trong đó sẽ thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khung xây dựng 4 cảng dọc sông Sài Gòn với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 3.400 tỷ đồng.
Nhằm phục vụ vận tải cho hệ thống logistics bằng đường sông từ trong nội địa tỉnh Bình Dương đến cảng biển nước sâu Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) và cảng Cát Lái (TP.HCM), trước đó UBND tỉnh Bình Dương cũng đã phê duyệt dự án đầu tư cảng sông An Tây với diện tích 100 ha, tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng. Sau khi cảng hoàn thành sẽ tạo ra một khu dịch vụ logistics khép kín nhằm sử dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức, giảm chi phí logistics, thúc đẩy sản xuất công nghiệp tại tỉnh cũng như vùng Đông Nam bộ.
Để ngành logistics phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh của mình, Bình Dương tập trung đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch, nâng cấp các cảng thủy nội địa, đường sắt, hệ thống kho, bãi… Tất cả đang được quy hoạch xây dựng phát triển hợp lý, có khả năng kết nối với các cảng biển, cảng sông, nhà ga, sân bay quốc tế trong khu vực nhằm bảo đảm cho sự luân chuyển hàng hóa và hoạt động logistics được thuận lợi, nhanh chóng, giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp.
Bà Huỳnh Đinh Thái Linh , Chủ tịch Hiệp hội Logistics tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương xem logistics là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn trong chiến lược phát triển của tỉnh giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2045. Bình Dương đang phát triển logistics hướng đến liên kết vùng, định hướng Bình Dương trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực.
Xây dựng hạ tầng giao thông liên kết vùng
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, để khai thác tối đa những lợi thế của tỉnh trong phát triển ngành logistics, Bình Dương đang bám sát quy hoạch tỉnh kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành logistics của cả nước. Bên cạnh đó, Bình Dương đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là thu hút các DN có năng lực về hoạt động logistics đến đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics đã được UBND tỉnh quy hoạch.
Bình Dương cũng đang nỗ lực sớm hoàn thiện các tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 TP.HCM đoạn đi qua địa bàn tỉnh; dự án cải tạo nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, các tuyến đường nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh, tỉnh Bình Phước, tỉnh Đồng Nai; tích hợp trực tiếp vào các tuyến đường trục chính nội tỉnh như Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế.
Bên cạnh đó, Bình Dương nâng cấp mở rộng ga Sóng Thần; hình thành hệ thống các cảng An Sơn, An Tây , An Điền; nâng cấp cảng Bình Dương đáp ứng tiêu chuẩn cảng container cửa khẩu quốc tế… Các công trình này đang và sẽ tạo nên một hệ thống giao thông mang tính kết nối cao với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bảo đảm tính liên thông và chuyển tiếp liên tục của hàng hóa trong và ngoài tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành khẳng định, Bình Dương cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư kinh doanh. Hiện nay, Bình Dương quy hoạch, bố trí quỹ đất ở những vị trí thuận lợi về giao thông để hình thành các trung tâm logistics cấp vùng, khu vực. Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, kết nối với doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, xúc tiến thương mại dịch vụ logistics; hỗ trợ, bảo đảm cho sự luân chuyển hàng hóa và hoạt động logistics một cách thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp.