Từ kết quả cao điểm kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm giao thông từ đầu tháng 10 vừa qua cho thấy, rất nhiều trường hợp học sinh vi phạm lỗi chưa đủ tuổi vẫn điều khiển phương tiện mô tô, xe gắn máy.
Bởi vậy, tại dự thảo nghị định xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã đề xuất tăng gấp 5 lần mức xử phạt đối với cha mẹ, người giám hộ giao xe cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện (mức phạt cũ từ 4-6 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới 28-30 triệu đồng).
Việc tăng mức xử phạt đối với hành vi này, nếu được ban hành liệu có ngăn chặn được hành vi vi phạm, qua đó góp phần giảm TNGT liên quan đến học sinh hay không? PV VOV Giao thông đối thoại với Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) - đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định về nội dung này.
PV: Được biết tại dự thảo Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, Bộ Công an đã nâng mức phạt đáng kể đối với một số hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới ùn tắc và tai nạn giao thông. Xin ông cho biết cụ thể những đề xuất này?
Đại tá Phạm Quang Huy: Căn cứ vào tình hình thực tiễn hiện nay, đã có rất nhiều những nỗ lực của Đảng, của Chính phủ và các ban, ngành thì việc kiềm chế tai nạn giao thông đã được đưa ra thành những Nghị quyết thực hiện và triển khai đồng bộ có hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nay trong xã hội vẫn còn có những cái bức xúc, liên quan đến các hành vi gây ra nguy hiểm, gây ra tai nạn giao thông, chẳng hạn như vượt đèn đỏ, vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn, che dán biển số, giao xe cho người không đủ điều kiện, hoặc lạng lách, đánh võng…
Đó là những hành vi mà chúng tôi tập trung trong đợt xây dựng dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ tới.
PV : Được biết, Bộ Công an có đề xuất tăng mức phạt đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện để tham gia giao thông. Vì sao Ban soạn thảo đưa ra đề xuất này?
Đại tá Phạm Quang Huy: Vừa qua, được sự quan tâm của Chính phủ cũng như là của Bộ Công an về việc ngăn chặn những hiện tượng học sinh, hoặc là những trẻ trong độ tuổi học sinh điều khiển phương tiện gây tai nạn cho chính bản thân, hoặc cho những người tham gia khác, hoặc sử dụng phương tiện vào các hoạt động tụ tập, đua xe, lạng lách, đánh võng, vi phạm về pháp luật hình sự, gây rối trật tự công cộng.
Do đó, chúng tôi thấy rằng, ngoài nguyên nhân xử lý trực tiếp đến người sử dụng phương tiện, thì cũng phải gắn trách nhiệm và xử lý của những trường hợp mà giao xe cho người không đủ điều kiện, bởi vì như vậy cũng gián tiếp gây nên cái nguy hiểm cho xã hội và những hành vi này cũng cần phải có chế tài đối với những người giao xe.
Thực tế, trong thời gian vừa qua cũng đã xử lý bằng hình sự một số trường hợp với tội danh là giao xe cho người không đủ điều kiện gây tai nạn giao thông. Do đó, việc nâng chế tài xử phạt đối với người giao xe cho người không đủ điều kiện này cũng là một hình thức răn đe, để cho những trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện sẽ phải nhìn lại trước khi đưa phương tiện cho những người chưa đủ điều kiện khi tham gia giao thông.
PV: Cục Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với các bên liên quan như thế nào để ngăn ngừa, xử lý triệt để tình trạng này?
Đại tá Phạm Quang Huy: Chúng tôi thực hiện theo các chương trình phối hợp giữa lực lượng công an với các cơ quan giáo dục, nhà trường, cũng như chính quyền địa phương, cơ sở và các đoàn thể xã hội, sẽ có những biện pháp để đảm bảo việc xử lý được nghiêm minh cũng như chấm dứt các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Khi phát hiện những trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện hoặc các trường hợp học sinh điều khiển phương tiện mà chưa đủ điều kiện là chúng tôi ngay lập tức sẽ phải chấm dứt những việc vi phạm và yêu cầu các đơn vị liên quan, chính quyền, tổ chức đoàn thể xã hội, nhà trường vào cuộc để cùng với lực lượng công an giải quyết triệt để những vi phạm trên.
PV: Xin cảm ơn ông.