GĐXH - Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 18/5, Bộ Công thương đã thông tin chính thức về việc tăng giá điện 3%, bắt đầu từ ngày 4/5/2023.
Thông tin về lĩnh vực cung ứng điện và giá điện, ông Nguyễn Việt Hòa – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, trước thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, khô hạn kéo dài, việc đối mặt khó khăn trong cung ứng, đảm bảo điện trong phát triển kinh tế - xã hội đều phải đối mặt hàng năm.
Tuy nhiên, tùy vào thời tiết từng năm mà vấn đề cung ứng điện phải đối mặt với những nguyên nhân khách quan nói trên. Bởi hiện nay, chúng ta có hệ thống nhiều nguồn cung ứng như thủy điện, năng lượng tái tạo, thời tiết…
Ông Hòa cho biết: "Hiện, các hồ thủy điện trong tình trạng thiếu nước, khai thác giảm dần, nhiều hồ có mực nước chết gây khó khăn đến vận hành, cung ứng điện".
Theo ông Hòa, Bộ Công thương có nhiều giải pháp, đã dự đoán được những khó khăn sẽ gặp, sẽ phải đối mặt trong mùa khô. Bộ đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan chỉ đạo vận hành cung ứng than, khí cho hoạt động phát điện.
Cụ thể, trong thời gian vừa qua và ngay trong tháng 5 này, Bộ đã tổ chức họp với các tập đoàn, chỉ đạo cụ thể, triển khai quyết liệt với quan điểm nỗ lực cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài việc phải thực hiện nghiêm việc cung cấp điện, than, theo chỉ đạo của Bộ Công thương, các đơn vị còn phải nỗ lực hết sức trong cung ứng đầy đủ nhiên liệu điện.
Khẩn trương đàm phán huy động các nguồn khác như năn lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời để cung ứng vào hệ thống điện quốc gia. Đồng thời khắc phục sự cố các tổ máy để sẵn sàng cung cấp điện trở lại.
Về giá điện bình quân tăng 3% thời gian qua, ông Hòa khẳng định, việc tính toán để điều chỉnh giá điện bình quân căn cứ vào Quyết định số 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức bán lẻ điện bình quân, 3% là mức tăng thấp nhất theo quyết định.
"Khi điều chỉnh giá điện, các đơn vị đã tính toán rất nhiều ở các yếu tố, trong đó, không có sự ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, tác động thấp nhất đến đời sống nhân dân và kinh tế - xã hội", ông Hòa cho hay.
Trước đó, Bộ Công thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thêm 3% từ 4/5/2023, lên mức trên 1.920 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn được chia làm 6 bậc.
Trong đó, bậc 1 từ kWh 0-50 kWh/tháng, giá bán lẻ điện là 1.728 đồng/kWh;
Bậc 2 từ kWh 50-100 kWh/ tháng giá bán là 1.786 đồng/kWh; bậc 3 từ kWh thứ 101- 200 kWh/ tháng giá điện là 2.074 đồng/kWh;
Bậc 4 từ kWh thứ 201-300 kWh/ tháng, giá bán là 2.612 đồng/ kWh;
Bậc 5 từ kWh thứ 301- 400 kWh/ tháng giá bán là 2.919 đồng/kWh.
Bậc 6 dành cho hộ gia đình dùng từ 401 kWh/tháng trở lên, giá bán là 3.015 đồng/kWh.
Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, xem xét các giải pháp khác để tối ưu hóa chi phí, giảm chi phí đầu vào, bao gồm: rà soát, thực hiện việc áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và thực hiện chương trình tiết kiệm điện, nghiên cứu việc đàm phán với các nhà đầu tư, nhà cung cấp, hộ bán điện trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Một kho xưởng không phép ở Hà Nội bất ngờ bốc chát giữa trưa.