Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức thẩm định sách giáo khoa tiểu học biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ GD&ĐT chuẩn bị thẩm định sách giáo khoa tiểu học đợt 2 (Hình từ Internet)
Ngày 08/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông báo 929/TB-BGDĐT thông báo việc tổ chức thẩm định đợt 2 sách giáo khoa cấp tiểu học của các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học (theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT) và Chương trình giáo dục phổ thông các môn Ngoại ngữ 1 Tiếng Nga, Tiếng Nhật, Tiếng Pháp và Tiếng Trung Quốc (theo Thông tư 19/2021/TT-BGDĐT).
Cụ thể, thông tin về thời gian và địa điểm tiếp nhận hồ sơ như sau:
- Thời gian: từ 8h30 đến 11h00, thứ năm, ngày 10/10/2024. Nếu hồ sơ gửi qua bưu điện, thời gian được tính theo ngày của dấu bưu điện đóng trên bưu phẩm.
- Địa điểm tiếp nhận hồ sơ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, số 35, đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
- Đơn vị tiếp nhận hồ sơ: Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa thực hiện theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT). Trong đó có số lượng bản mẫu sách giáo khoa; thuyết minh về bản mẫu sách giáo khoa đề nghị thẩm định gồm tên sách giáo khoa, phân công nhiệm vụ và trách nhiệm của tổng chủ biên, chủ biên nếu sách giáo khoa có tổng chủ biên, chủ biên, tác giả; mục đích biên soạn, đối tượng và phạm vi sử dụng; cấu trúc, nội dung và quá trình biên soạn; quá trình, kết quả thực nghiệm; việc tiếp thu các ý kiến nhận xét, đánh giá bản mẫu sách giáo khoa của các nhà khoa học, nhà giáo dục, giáo viên; bản phân phối chương trình.
* Hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa (sau đây gọi tắt là hồ sơ) lần đầu được lập thành một bộ, bao gồm:
- Đơn đề nghị thẩm định sách giáo khoa (mẫu đơn kèm theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT).
- Bản mẫu sách giáo khoa đề nghị thẩm định.
- Thuyết minh về bản mẫu sách giáo khoa đề nghị thẩm định, bao gồm: tên sách giáo khoa; phân công nhiệm vụ và trách nhiệm của tổng chủ biên, chủ biên (nếu sách có tổng chủ biên, chủ biên), tác giả; mục đích biên soạn, đối tượng và phạm vi sử dụng; cấu trúc, nội dung; quá trình, kết quả thực nghiệm; việc tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu các ý kiến nhận xét, đánh giá bản mẫu sách giáo khoa của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học, nhà giáo dục am hiểu về giáo dục phổ thông; các thông tin liên quan khác (nếu có).
- Lý lịch khoa học của các tác giả, chủ biên, tổng chủ biên (nếu sách có chủ biên, tổng chủ biên) và người biên tập.
Hồ sơ đề nghị thẩm định lại bao gồm:
- Bản mẫu sách giáo khoa đã chỉnh sửa, bổ sung;
- Báo cáo tổng hợp nội dung tiếp thu hoặc giải trình nội dung không tiếp thu kết luận của Hội đồng.
Theo Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT, việc biên soạn sách giáo khoa phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.
- Cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm tính liên thông giữa các cấp học, lớp học, môn học và hoạt động giáo dục.
- Gắn với điều kiện cụ thể của Việt Nam và phù hợp với xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới, bảo đảm tốt nhất lợi ích của người học.