Bổ sung canxi, sắt hay vitamin D có thể gây táo bón thế nào?

16/07/2024 13:50

Quá nhiều vitamin D có thể làm tăng lượng canxi lưu thông trong máu, dẫn đến táo bón, trong khi bổ sung viên uống canxi và sắt cũng có thể cản trở tiêu hóa.

Ảnh: Eating Well
Ảnh: Eating Well

1. Viên canxi

Kerry Conlon, một chuyên gia dinh dưỡng về bệnh tiêu hóa ở Mỹ, cho biết: "Tôi đã có một số khách hàng phàn nàn về chứng táo bón và sau khi đánh giá sâu hơn, tôi phát hiện ra nguyên nhân do họ bổ sung canxi".

Bổ sung canxi có thể làm tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn vì chúng làm chậm nhu động ruột, tức cách thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa. Canxi cũng có thể cản trở lượng chất lỏng được tiết ra trong ruột, khiến phân trở nên cứng, khô hơn.

Nếu bạn đang bổ sung canxi liều cao và không uống đủ nước hoặc ăn đủ chất xơ, bạn sẽ dễ bị táo bón hơn. "Tất nhiên, có những trường hợp việc bổ sung là cần thiết, chẳng hạn như bổ sung canxi cho bệnh loãng xương, vì vậy hãy nói chuyện với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để họ đưa ra các lựa chọn phù hợp", Conlon nói.

2. Viên sắt

Thuốc bổ sung sắt thường gây táo bón, vì vậy nếu bị thiếu sắt, bạn có thể cân nhắc sử dụng thực phẩm trước tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng.

Tiến sĩ Ashley Dwyer, người sáng lập BDN Coachin, cho biết: "Mặc dù đúng là khoảng 40% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị thiếu sắt, tôi vẫn thận trọng trước khi kê thuốc bổ sung sắt. Sắt là một trong những chất bổ sung hàng đầu có thể gây táo bón".

Thay vào đó, Dwyer khuyên bạn nên tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất sắt (chẳng hạn như các loại đậu, rau xanh, cá, thịt đỏ) và vitamin C (như cam quýt, trái cây, rau xanh, ớt).

Rhyan Geiger, một chuyên gia dinh dưỡng có trụ sở tại Phoenix, nói: "Sắt sunfat là chất bổ sung sắt phổ biến nhất mà bạn có thể tìm thấy ở các cửa hàng. Dùng loại chất bổ sung sắt này khi bụng đói hoặc với liều lượng cao hơn có thể dẫn đến táo bón. Nếu bạn phải bổ sung sắt, hãy thử dùng nó cùng với thức ăn và cân nhắc chia thành liều lượng nhỏ hơn trong ngày".

3. Viên chất xơ

Việc dùng viên bổ sung chất xơ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón ở một số người tùy theo hoàn cảnh.

Kelsey Costa, chuyên gia dinh dưỡng và nhân viên truyền thông khoa học tại Examine, nói: "Dựa trên nghiên cứu hiện tại, chất xơ dường như có lợi cho chứng táo bón đối với hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh nói chung và đó là một trong những phương pháp điều trị chính cho chứng táo bón. Tuy nhiên, chỉ tăng lượng chất xơ hoặc sử dụng chất bổ sung có thể không phải lúc nào cũng giúp ích cho nhu động ruột, tùy thuộc vào nguyên nhân gốc rễ của táo bón".

Geiger nói những sản phẩm bổ sung chất xơ có thể làm phân quá nhiều và gây táo bón, đặc biệt là nếu thực phẩm bạn bổ sung có nhiều chất xơ không hòa tan.

"Việc tăng lượng chất xơ quá nhanh cũng có thể làm tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn. Nhiều chất xơ mà không tăng lượng nước uống vào, phân có thể khó đi qua hơn, khiến tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn", Costa nói với EatWell.

4. Vitamin D

Khi dùng liên tục với liều lượng cao, việc bổ sung vitamin D có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa như táo bón. Quá nhiều vitamin D có thể làm tăng lượng canxi lưu thông trong máu và quá nhiều canxi trong cơ thể cũng có thể làm tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn.

Nếu bạn đang bổ sung vitamin D, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo liều lượng phù hợp. Hãy nhớ uống nhiều nước và ăn nhiều loại thực phẩm nguyên chất, giàu chất dinh dưỡng để hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh.

5. Trà senna

Senna là một loại thảo dược bổ sung được dùng để điều trị táo bón do có tác dụng nhuận tràng mạnh. Tuy nhiên, nó có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa và làm tình trạng táo bón trầm trọng hơn khi sử dụng quá thường xuyên.

Costa cho biết: "Giống như nhiều loại thuốc nhuận tràng khác, sử dụng senna trong thời gian dài hoặc quá mức có thể dẫn đến các phản ứng nghiêm trọng và tác dụng phụ, bao gồm lệ thuộc vào thuốc nhuận tràng, táo bón mãn tính và mất chức năng ruột bình thường. Điều này dường như xảy ra do ruột đã quen với sự kích thích nhuận tràng và mất khả năng co bóp bình thường nếu không có nó".

Costa nói với EatWell: "Dựa vào senna quá thường xuyên cũng có thể gây mất chất lỏng và mất cân bằng điện giải, có thể dẫn đến mất nước và góp phần gây táo bón khi không sử dụng".

Hướng Dương (Theo Eating Well)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bổ sung canxi, sắt hay vitamin D có thể gây táo bón thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO