Bổ sung quy định chính sách đặc thù trong khám, chữa bệnh cho người cao tuổi

Thu Thủy (t/h) 21/09/2022 15:59

PLBĐ - Tại phiên họp Quốc hội sáng ngày 21/9, Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến.

Tại phiên họp, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật chưa quy định chính sách đặc thù cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người cao tuổi.

Trình bày báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khoẻ đối với một số đối tượng. Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo để nghiên cứu, bổ sung quy định phù hợp để thích ứng với tiến trình già hóa dân số ở Việt Nam.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, giải trình về ý kiến đề nghị cấm hành vi thu dung, khuyến mại người đến khám bệnh, chữa bệnh, bà Thuý Anh cho biết, vẫn có các ý kiến khác nhau. Có ý kiến ủng hộ, vì cho rằng việc này phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Song cũng có ý kiến cho rằng, khuyến mại nếu áp dụng với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh, gây lãng phí xã hội... cần quy định cấm (tương tự như cấm khuyến mại thuốc chữa bệnh trực tiếp cho người dùng).

Bổ sung quy định chính sách đặc thù trong khám, chữa bệnh cho người cao tuổi     - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) (ảnh L.B).

Đáng lưu ý, về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề, một số ý kiến băn khoăn về việc giao cho Bộ Công an cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề đối với đối tượng thuộc thẩm quyền. Loại ý kiến này đề nghị tiếp tục giao Bộ trưởng Bộ Y tế như hiện hành, nếu giao Bộ Công an thì cần quy định lộ trình.

Vấn đề đáng lưu ý khác liên quan đến giấy phép hoạt động và tiêu chuẩn chất lượng và đánh giá, chứng nhận chất lượng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cơ quan thẩm tra đồng tình quy định giấy phép hoạt động không có thời hạn; các cơ sở phải duy trì tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu hoặc tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành, khuyến khích các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh áp dụng tiêu chuẩn chất lượng đối với cơ sở hoặc từng chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật do tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài ban hành được Bộ Y tế thừa nhận.

Tuy nhiên, khi tiếp thu, chỉnh lý, nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung chế tài đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đạt tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu; có chính sách phù hợp để khuyến khích các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nâng cao.

Đối với vấn đề xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước (Điều 105), Chính phủ dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội, tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; quy định nguyên tắc trong việc thu hút đầu tư tư nhân và quy định các hình thức thu hút nguồn lực xã hội (phương án 1 Điều 105).

Đối với vấn đề giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Điều 106), dự thảo Luật quy định giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí như thể hiện tại Điều 106 của dự thảo Luật.

Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu chỉnh lý quy định cho phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bổ sung quy định chính sách đặc thù trong khám, chữa bệnh cho người cao tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO