Theo phản ánh của ông Phan Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu), khi chưa có chuyên ngành xét nghiệm thì cử nhân sinh học, công nghệ sinh học và dược sĩ là những kỹ thuật viên xét nghiệm tiên phong, chủ chốt trong phòng xét nghiệm. Sau khi hoàn thành khóa bổ sung kiến thức kỹ thuật xét nghiệm 6 tháng thì được phép thi và học lên thạc sĩ xét nghiệm, sau đó được cấp bằng thạc sĩ xét nghiệm.
Tuy nhiên, theo Dự thảo lần 2 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bắt buộc thạc sĩ xét nghiệm, tiến sĩ xét nghiệm (không xuất phát từ cử nhân xét nghiệm như cử nhân sinh học, công nghệ sinh học, dược sĩ trước đây) đều phải đi học cử nhân xét nghiệm.
Ông Tuấn cho rằng quy định như vậy không hợp lý vì kỹ thuật viên xét nghiệm là những cán bộ kì cựu trong lĩnh vực này và đã có bằng thạc sĩ xét nghiệm rồi, nếu không đi học lại cử nhân xét nghiệm sẽ buộc phải nghỉ việc, còn đi học lại thì chỉ mang hình thức bằng cấp đối phó.
Ông Tuấn đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại bất cập này, bổ sung đối tượng thạc sĩ xét nghiệm (những đối tượng không xuất phát từ cử nhân xét nghiệm) được cấp giấy phép hành nghề.
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:
Theo quy định tại Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì việc cấp giấy phép hành nghề đối với người có văn bằng chuyên môn là thạc sĩ thuộc lĩnh vực y học đã được đưa vào trong Nghị định là một trong những văn bản được xem xét cấp giấy phép hành nghề đáp ứng theo quy định tại Điều 125, 126, 127.
Chinhphu.vn