Các bác sĩ khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ ở Hà Nội tiên lượng rất nặng khó lòng qua khỏi vì một lý do khá phổ biến hiện nay đó là bỏ thuốc điều trị để chữa bệnh bằng thực dưỡng.
Trao đổi với với phóng viên Báo Suckhoedoisong.vn BS. Ngô Đức Hùng, khoa cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho hay, bệnh nhân nữ sinh năm 1961 nhà ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội được phát hiện bệnh tiểu đường cách đây 2 năm đang điều trị thuốc tiều đường thì dừng lại chuyển sang ăn thực dưỡng chữa bệnh.
Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân bỏ thuốc không điều trị và chuyển qua ăn thực dưỡng với gạo lứt, muối mè và sữa hạt. Hậu quả là sau 2 tháng ăn thực dưỡng, bệnh không thuyên giảm mà bệnh nhân sụt 7kg, đau bụng tăng lên đến lúc không chịu nổi mới vào viện. Khi nhập viện bệnh nhân ở trong tình trạng suy kiệt, nhiễm toan chuyển hoá nặng. Bệnh nhân được cho thở máy và lọc máu liên tục. Tổn thương gan nặng nề. Men gan cao đến hàng nghìn đơn vị.
Sau 4 ngày điều trị tích cực bệnh nhân đã không thể qua khỏi và gia đình đã đưa về lo hậu sự.
BS. Hùng cho biết thêm, bác sĩ tiến hành siêu âm tại chỗ phát hiện bệnh nhân có thêm nhiều khối trong gan, tăng tín hiệu mạch, bụng có dịch. Trước đó ở nhà bệnh nhân không có biểu hiện gì. Có thể đây là khối u gan bị vỡ. Bác sĩ tạm kết luận: do ăn uống thiếu chất, cơ thể suy kiệt làm khối u âm thầm to lên nhanh chóng đến độ vỡ vào ổ bụng.
Cũng theo Bs. Hùng, trên mạng xã hội đang lan truyền phương pháp ăn thực dưỡng chữa tất cả các thứ bệnh từ ung thư đến đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm da... có tên gọi Combo số 7 với gạo lứt, muối mè và sữa hạt.
Bệnh nhân vẫn đang ở trong tình trạng rất nặng tiên lượng xấu (ảnh BSCC)
Trước đó, trong chương trình truyền hình trực tuyến do Suckhoedoisong.vn tổ chức với chủ đề "Dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường, PGS.TS. Vũ Bích Nga - Trưởng Khoa Nội tiết Đái tháo đường, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và các bệnh rối loạn chuyển hóa, Trường Đại học Y Hà Nội đã cho biết, nguyên tắc cơ bản của người ĐTĐ là phải ăn ít chất bột, thứ hai phải ăn đầy đủ thực phẩm khác nhau và thực phẩm chưa được tinh chế như ngũ cốc nguyên hạt, rau, quả, loại có chỉ số đường huyết thấp (rau xanh sẫm, rau đỏ, bưởi, ổi....). Cần kết hợp luyện tập thể lực, lối sống (rượu, bia, thuốc lá...).
Cũng theo TS. Nga ăn uống vừa góp phần điều trị vừa dự phòng ĐTĐ, ngoài ra ăn uống với ĐTĐ bên cạnh việc tránh tăng đường huyết thì còn tránh hạ đường huyết. Đặc biệt hạ đường huyết xa bữa ăn vì khi sử dụng thuốc có tác dụng hạ đường huyết mà lại ăn không đầy đủ thành phần dinh dưỡng thì đường huyết hạ thấp còn nguy hiểm hơn. Hạ đường nặng có thể hôn mê. Ngoài ra, một chế độ dinh dưỡng đúng, đầy đủ còn góp phần hạn chế biến chứng của bệnh ĐTĐ.
TS. Nga cũng cung cấp thêm thông tin, bên cạnh thuốc điều trị thường xuyên thì dinh dưỡng đóng góp phần quan trọng trong bệnh ĐTĐ. Do đó sử dụng dinh dưỡng như thế nào cho hợp lý và các thành phần dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng với người bệnh tiểu đường. “Không phải tiểu đường là không được ăn sản phẩm có đường mà phải cân đối các thành phần dinh dưỡng. Nếu ăn không cân đối, bỏ bữa hoặc bỏ các thành phần dinh dưỡng nào đó thì rất nguy hiểm vì cơ thể con người mỗi ngày vẫn cần các chất bột đường, chất béo, vitamin để các tế bào hoạt động, nếu thiếu hàm lượng đó thì cơ thể phải ly giải từ các mô mỡ để chuyển hóa và khi ly giải như thế lại trở thành chất không tốt gây ảnh hưởng đến tế bào. Nên dinh dưỡng phải cân đối hợp lý và người bệnh ĐTĐ cần phải hiểu điều đó để tuân thủ. Nếu không sẽ gặp các biến chứng có thể dẫn đến hôn mê sâu do hạ đường huyết nguy hiểm tính mạng, thậm chí tử vong.
(Theo H.Nguyên/Sức khỏe đời sống)
https://suckhoedoisong.vn/bi-tieu-duong-bo-thuoc-an-thuc-duong-nguoi-dan-ong-kho-qua-khoi-n167514.html