Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, nguồn cung bất động sản chỉ là một trong các nguyên nhân làm tăng giá bất động sản, giá bất động sản tăng còn do tác động bởi một số yếu tố.
Tại họp báo thường kỳ quý III của Bộ Xây dựng, lý giải về việc nguồn cung bất động sản Hà Nội đã tăng, dồi dào hơn nhưng giá vẫn tăng cao, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, qua tổng hợp, phân tích cho thấy nguồn cung bất động sản chỉ là một trong các nguyên nhân làm tăng giá bất động sản tại một số khu vực, địa phương trong thời gian qua, giá bất động sản tăng còn do tác động bởi một số yếu tố.
Theo ông Dũng, giá bán bất động sản tăng một phần do biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai gần đây cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới.
Thứ hai, mặc dù trong quý vừa rồi, nguồn cung bất động sản đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn hạn chế. Trong bối cảnh nguồn cung hạn chế như vậy, các môi giới kích giá, "thổi" giá, tạo giá ảo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đầu tư theo tâm lý đám đông của người dân để trục lợi.
Bên cạnh đó, theo ông Dũng, biến động của nền kinh tế trong thời gian qua liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu, vàng... đã tác động đến tâm lý của người dân, nhà đầu tư, dẫn đến xu hướng chuyển dịch dòng tiền của người dân, nhà đầu tư sang đầu tư nhà, đất để làm nơi “trú ẩn” an toàn cho nguồn tiền tích lũy, nguồn vốn đầu tư…..
Nhằm giảm giá nhà ở, bất động sản và ổn định thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Văn phòng Chính phủ một số giải pháp.
Cụ thể, thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực bất động sản mới được ban hành như Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024,…và các văn bản quy định chi tiết.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, theo hướng: tăng tiền đặt cọc, xác định giá đất khởi điểm đem đấu sát tình hình thực tế khu vực, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, hạn chế người tham gia đấu giá với mục đích đầu cơ.
Nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất để hạn chế hoạt động đầu cơ, việc mua đi bán lại nhà, đất trong thời gian ngắn để kiếm lời đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế...
Có giải pháp, biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của việc ban hành bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 đến mặt bằng giá đất, giá nhà, đến cung cầu của thị trường bất động sản.
Nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý” nhằm hạn chế tình trạng sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản có thể cấu kết gây nhiễu loạn thị trường.
Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, triển khai thực hiện các dự án bất động sản, hoạt động kinh doanh bất động sản để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, quy định của pháp luật.
Tăng cường kiểm tra, giám soát, quản lý có hiệu quả hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản, dịch vụ sàn giao dịch bất động sản, dịch vụ môi giới bất động sản,…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản,...