Bộ Y tế: Gần 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất

Thái Bình 11/02/2023 11:01

Đến nay đã 41 ngày Việt Nam không ghi nhận ca COVID-19 tử vong; Theo Bộ Y tế hiện có gần 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại, cơ bản đảm bảo được nguồn cung thuốc; Bụng to nhanh sau 5 tháng mới đi khám, bác sĩ phát hiện khối u khủng.

Đã 41 ngày Việt Nam không ghi nhận ca COVID-19 tử vong

Bộ Y tế cho biết ngày 10/2 có 13 ca mắc COVID-19 , giảm nhẹ so với ngày trước đó; bệnh nhân nặng hôm nay tăng nhẹ.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.640 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.485 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 10.614.654 ca; trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát có 3 bệnh nhân đang thở oxy qua mặt nạ.

Bộ Y tế: Gần 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất - Ảnh 1.

Đến nay Việt Nam đã tiêm trên 266,2 triệu liều vaccine COVID-19, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm cho các đối tượng theo hướng dẫn đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.

Đến nay đã 41 ngày Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Đến nay Việt Nam đã tiêm trên 266,2 triệu liều vaccine COVID-19.

Gần 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất

Bộ Y tế cho biết, thực hiện Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Quốc hội, năm 2022 Bộ Y tế đã công bố danh mục 10.484 thuốc hết hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đã cấp đến hết ngày 31/12/2022; thực hiện cấp, gia hạn cho 2.875 thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Hiện tại, đang có xấp xỉ 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại, cơ bản đảm bảo được nguồn cung thuốc.

Bộ cũng cho hay, thời gian qua, việc tổ chức đấu thầu thuốc được thực hiện ở 3 cấp, cụ thể tại cấp Trung ương, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức đấu thầu và đàm phán giá (50 danh mục đấu thầu tập trung quốc gia, 27 danh mục thuốc điều trị HIV/AIDS, 701 thuốc thuộc danh mục đàm phán giá). Năm 2021-2022, đã thực hiện mua sắm danh mục 50 thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và 69 thuốc Biệt dược gốc áp dụng hình thức đàm phán giá.

Tại địa phương việc đấu thầu tập trung do Đơn vị mua thuốc tập trung cấp địa phương thực hiện (129 danh mục); Các cơ sở y tế tự thực hiện mua sắm các thuốc còn lại.

Bụng to nhanh sau 5 tháng mới đi khám, bác sĩ phát hiện khối u khủng

Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa phẫu thuật bóc tách khối u buồng trứng rất lớn - nặng khoảng 6,5kg cho nữ bệnh nhân 28 tuổi, ở Bắc Giang. Bệnh nhân từng phẫu thuật u buồng trứng cách đây hơn 3 năm. Khoảng 5 tháng gần đây bệnh nhân thấy bụng to lên rất nhanh, tương đương mang bầu 8 tháng kèm đau tức, khó thở.

Cách đây ít ngày bệnh nhân có đến bệnh viện thăm khám, kết quả siêu âm, chụp CT cho thấy bệnh nhân có khối u buồng trứng lớn dạng dịch chiếm toàn bộ ổ bụng, kéo dài từ hạ vị đến thượng vị. Các bác sĩ đã hội chẩn, chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u.

BSCK2 Dương Xuân Hiệp, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết bên trong chứa nhiều dịch nhầy xuất phát từ buồng trứng trái, dính vào mạc treo ruột non. Sau 3 ngày phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, vết mổ khô.

Theo BS Hiệp, với những khối u buồng trứng lớn nếu không phát hiện, phẫu thuật điều trị sớm, khối u sẽ ngày càng phát triển, khiến bệnh nhân nặng nề ổ bụng. Ngoài ra, u chèn ép vào các tạng lân cận như bàng quang, trực tràng, ruột già gây hiện tượng tiểu dắt, tiểu nhiều lần trong ngày và táo bón dai dẳng, ăn uống kém; chèn ép động mạch chủ, tĩnh mạch, tăng áp lực ổ bụng gây khó thở, đau…

Nếu khối u to bị vỡ do va đập, chấn thương có thể gây tràn máu, dịch ổ bụng, dẫn đến viêm phúc mạc, nhiễm trùng ổ bụng, nguy hiểm đến tính mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ Y tế: Gần 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO