Bộ Y tế khuyến cáo gì để người tiêu dùng không 'dính' độc tố botulinum có thể gây tử vong?

Thái Bình 21/03/2023 11:21

Không ít vụ ngộ độc xảy ra do độc tố botulinum khi người dân sử dụng pate chay, cá chép muối ủ chua; đã có trường hợp tử vong do độc tố này có trong thực phẩm. Qua các sự việc này, Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế có khuyến cáo gì với người dân để không là 'nạn nhân' của độc tố botulinum?

Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã trao đổi với TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế về những thông tin xung quanh độc tố botulinum .

Botulinum là độc tố nguy hiểm nhất, độc lực mạnh nhất

- Vừa qua tại Quảng Nam xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum khiến 10 người nhập viện trong đó 1 trường hợp tử vong, xin ông cho biết nguyên nhân và sự nguy hiểm của độc tố này?

Ông Nguyễn Hùng Long: Vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Phước Sơn-Quảng Nam vừa qua là vụ ngộ độc thực phẩm rất nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Bởi chỉ trong thời gian ngắn trên địa bàn đã xảy ra 2 vụ ngộ độc, số người mắc nhiều, người mắc có những triệu chứng nặng và diễn biến nhanh, phức tạp và có 01 người tử vong mặc dù đã được điều trị tích cực.

Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng cần làm gì để không 'dính' độc tố botulinum có thể gây tử vong? - Ảnh 1.

TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nhấn mạnh: Độc tố botulinum là độc tố nguy hiểm nhất, độc lực mạnh nhất, liều lượng gây tử vong từ 1,3mcg-2,1mcg/kg.

Về nguyên nhân của vụ ngộ độc được xác định là do độc tố botulinum trong món cá chép muối ủ chua.

Độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí). Đây là vi khuẩn hình que, kỵ khí (yếm khí), sinh nha bào khi gặp điều kiện thuận lợi. Độc tố chỉ sinh ra trong điều kiện kỵ khí.

Đây là vi khuẩn phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là có trong đất. Tuy nhiên chỉ sinh ra độc tố trong điều kiện kỵ khí còn trong điều kiện bình thường thì không sinh ra độc tố. Tuy nhiên độc tố này có thể bị phân hủy khi ở nhiệt độ 100 độ C trong thời gian khoảng 10 phút.

Độc tố botulinum là độc tố nguy hiểm nhất, độc lực mạnh nhất, liều lượng gây tử vong từ 1,3mcg-2,1mcg/kg.

Độc tố này hay xuất hiện ở những sản phẩm hay gây ra ngộ độc. Chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh do vi khuẩn này có trong đất, trong nước, trong khi sản phẩm này lại không được xử lý bằng nhiệt dẫn đến phát sinh ra độc tố và gây ra ngộ độc. Cùng đó là dụng cụ đựng thực phẩm hiện nay rất kín nên dễ sinh ra hiếm khí.

Với lượng rất nhỏ độc tố này có thể gây ra tử vong, nên người bị ngộ độc do độc tố botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp; liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong.

- Với vụ việc xảy ra tại Quảng Nam, Cục An toàn thực phẩm đã có những chỉ đạo xử lý như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Long: Trước đây đã từng xảy ra một số vụ ngộ độc do độc tố botulinum, nên khi tiếp nhận thông tin qua về vụ ngộ độc này qua báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam chúng tôi nghĩ ngay đến ngộ độc botulinum, nên Cục vừa có chỉ đạo trực tiếp bằng điện thoại vừa chỉ đạo bằng văn bản, để địa phương xử lý theo hướng nghi ngộ độc botulinum.

Cùng đó, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản gửi giám đốc Sở Y tế Quảng Nam chỉ đạo việc tổ chức cấp cứu, điều trị; trường hợp nặng chuyển lên tuyến trên; Trong văn bản, Cục đề nghị Sở Y tế Quảng Nam liên hệ ngay với TS Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai- nơi có nhiều kinh nghiệm về xử trí ngộ độc botulinum để họp trực tuyến, trao đổi thông tin, đưa ra hướng xử lý, điều trị cho người bệnh.

Cùng đó, Cục yêu cầu lấy mẫu gửi đi xét nghiệm; tăng cường truyền thông về người dân tạm thời không sử dụng thực phẩm này để điều tra dịch tễ, tiến hành xử lý nhanh.

Và đúng là kết quả xét nghiệm của Viện Pastuer Nha Trang đã khẳng định có độc tố botulinum trong món cá chép muối ủ chua.

Vấn đề điều trị cho người bệnh cũng đã được Lãnh đạo Cục trao đổi với Lãnh đạo Sở Y tế Quảng Nam. Sau khi có thông tin Bệnh viện Chợ Rẫy đang còn thuốc hiếm dùng để điều trị ngộ độc B, chúng tôi đã cùng Sở Y tế Quảng Nam kết nối họp trực tuyến cả Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngay sau đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đồng ý điều nhân lực và đưa thuốc hiếm ra Quảng Nam để phối hợp điều trị cho người bệnh bị ngộ độc botulinum.

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm do botulinum thường do chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh tại các hộ gia đình

- Xin ông cho biết cách phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum gây ra thế nào?

Ông Nguyễn Hùng Long: Ngộ độc thực phẩm chưa bị bao giờ không có nghĩa là không bị, bởi ngộ độc xảy ra do nhiều yếu tố, có thể do nguồn lây nhiễm, cách chế biến, vệ sinh của người chế biến thực phẩm và điều kiện – dụng cụ ủ rất kín nên tạo điều kiện cho vi khuẩn gây ra độc tố botulinum phát triển.

Đối với món cá muối chua, mặc dù là món ăn truyền thống nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ, do đó các địa phương cần tuyên truyền để người dân hạn chế chế biến, sử dụng là tốt nhất; hoặc nếu có thể chế biến thì cần tuân thủ về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể dùng muối, rượu, dấm rửa cá; khử trùng dụng cụ muối.

Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng cần làm gì để không 'dính' độc tố botulinum có thể gây tử vong? - Ảnh 2.

BSCK 2 Trần Thanh Linh - Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra khả năng nhận biết của bệnh nhân ngộ độc botulinum.

Các vụ ngộ độc do botulinum vốn rất hiếm gặp, nhưng thời gian gần đây gặp nhiều, liên quan nhiều đến những bữa ăn tự nấu, thực phẩm chế biến, bảo quản thủ công tại hộ gia đình.

Nguy cơ này không chỉ hiện hữu tại Việt Nam. Ngay cả Tổ chức Y tế thế giới cũng đã cảnh báo hiện nay ngộ độc thực phẩm do botulinum thường do việc chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh tại các hộ gia đình.

Ngoài ra trào lưu sử dụng túi hút chân không các hộ gia đình tự làm không đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây ngộ độc, đặc biệt ngộ độc vi khuẩn yếm khí nguy hiểm.

Vì thế chúng tôi lưu ý, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thủ công không tự đóng gói, đóng kín thực phẩm (dạng hút chân không) để bảo quản trong thời gian dài.

Đối với sản phẩm thực phẩm đóng hộp công nghiệp lưu ý khi hộp bị méo, đặc biệt bị phồng không được sử dụng- vì lúc này sinh vật kỵ khí đã xuất hiện ở bên trong nên đẩy phồng hộp lên.

Một yếu tố nữa cũng cần phải để ý là có thể hộp bảo quản, dụng cụ bảo quản không phồng nhưng khi mở ra nghe tiếng 'xì' tức là có không khí ở trong, mùi hơi nặng hơn thì chúng ta không nên sử dụng để phòng vi khuẩn kỵ khí, đặc biệt là độc tố botulinum- một trong những độc tố cực độc.

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống chín. Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Người dân khi sử dụng các sản phẩm đóng hộp nếu gặp phải các triệu chứng nêu trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ Y tế khuyến cáo gì để người tiêu dùng không 'dính' độc tố botulinum có thể gây tử vong?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO