Bộ Y tế phản hồi kiến nghị dừng thổi nồng độ cồn phòng lây nhiễm virus corona

Thanh Hải 06/02/2020 09:24

PLBĐ - Bộ Y tế cho rằng không nên bỏ quy định thổi nồng độ cồn khi đang có dịch do virus corona, nhưng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Bộ Y tế vừa báo cáo Văn phòng Chính phủ về việc sử dụng phương tiện kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông khi có dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus corona (nCoV).

Theo đó nhấn mạnh, tại những thời điểm có dịch bệnh như hiện nay, hoạt động kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở phải được thực hiện nghiêm ngặt đúng quy trình, yêu cầu.

Theo Bộ Y tế, việc kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông có nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tương tự như với các hoạt động, công việc giao tiếp thông thường khác của người dân.

Việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như dùng riêng ống thổi cho từng người, sát khuẩn thiết bị đo, lực lượng làm nhiệm vụ tuân thủ đúng quy trình, thao tác và người dân tuân thủ hướng dẫn của cánh sát giao thông thì sẽ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

bo-y-te-phan-hoi-kien-nghi-dung-thoi-nong-do-con-vi-virus-corona
Kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông. (Ảnh minh họa)

Lực lượng cảnh sát giao thông khi thực hiện nhiệm vụ cần áp dụng các biện pháp bảo hộ cá nhân và tuân thủ theo các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch bệnh để bảo đảm an toàn, giảm đến mức thấp nhất nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm nói chung và nCoV nói riêng cho bản thân và người dân.

Đồng thời theo diễn biến và các mức độ nguy cơ của dịch bệnh (ví dụ như khi công bố dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp), Bộ Công an báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án thích hợp cho việc kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật.

3008_nogn_do_con
WHO cũng khuyến cáo CSGT cần được trang bị phòng dịch và mỗi người được sử dụng riêng 1 ống thổi cồn mới chưa qua sử dụng. (Ảnh: T.A)

Ngày 4/2, Văn phòng đại diện của WHO tại Việt Nam đã gửi thư tới ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách, Ủy ban ATGT Quốc gia để góp ý về vấn đề này.

Theo đó, nhận được đề nghị của Ủy ban ATGT Quốc gia về việc góp ý vào Dự thảo, TS.Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam bày tỏ: Việc thực thi Luật Giao thông đường bộ và các quy định pháp luật khác, trong đó có quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có cồn và các văn bản dưới luật có liên quan nên được tiếp tục.

Cần thực hiện các biện pháp bảo hộ phù hợp để bảo đảm an toàn, giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh cho người thực thi công vụ, người tham gia giao thông và cho cộng đồng bất cứ khi nào tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông.

Tổ chức Y tế Thế giới đã ban hành các khuyến cáo cơ bản đối với công chúng, bao gồm các lời khuyên để giúp cho người dân tham gia giao thông an toàn trong điều kiện có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Liên quan tới tình huống cụ thể khi kiểm tra nồng độ cồn qua hơi thở bằng thiết bị của lực lượng Cảnh sát giao thông, TS.Kidong Park nhấn mạnh một số điểm mấu chốt. Cụ thể, CSGT nên đeo khẩu trang y tế và được trang bị dung dịch rửa tay khô có cồn.

Bố trí để đảm bảo thiết bị kiểm tra nồng độ cồn được cầm và sử dụng bởi riêng một CSGT trong mỗi ca làm việc (để tránh lây chéo). Tiến hành sát khuẩn thiết bị trước, trong và sau ca làm việc bằng dung dịch có cồn.

Chỉ sử dụng riêng 1 ống thổi mới, chưa qua sử dụng cho mỗi người được kiểm tra. Các ống thổi đã được sử dụng cần được thu gom và xử lý phù hợp. 

Theo Bộ Công an, sau 1 tháng (từ 1 - 31/1/2020) triển khai xử lý vi phạm theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019 của Chính phủ, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, xử lý 17.386 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 53 tỷ 155 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe 10.695 trường hợp, tạm giữ 17.386 phương tiện các loại.

Trong đó, một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Thanh Hóa 970 trường hợp, Đắk Lắk 914 trường hợp, Tây Ninh 886 trường hợp, Bắc Giang 789 trường hợp, Đồng Nai 696 trường hợp, TP.HCM 672 trường hợp, Cà Mau 593 trường hợp, Gia Lai 534 trường hợp, Hà Nội 512 trường hợp, Bến Tre 505 trường hợp…

Đặc biệt, một số địa phương đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: TP.HCM 264 trường hợp, Cà Mau 257 trường hợp, Kiên Giang 212 trường hợp, Long An 195 trường hợp, Thanh Hóa và Tiền Giang 168 trường hợp…

Qua công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn, một số địa phương xử lý các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn như: Đắk Lắk 26 trường hợp, Cà Mau 19 trường hợp, Tiền Giang 17 trường hợp, Tây Ninh 16 trường hợp, Kiên Giang 15 trường hợp, TP.HCM 13 trường hợp…

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ Y tế phản hồi kiến nghị dừng thổi nồng độ cồn phòng lây nhiễm virus corona
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO