Trong mâm cơm của gia đình có 3 người đều mắc ung thư dạ dày này thường xuyên xuất hiện món ăn mặn, món ăn muối chua và đồ khô hun khói... Ăn mặn lâu dần thành quen.
Theo Sohu đưa tin, thanh niên Tiểu Đặng (32 tuổi) có dấu hiệu đau dạ dày nên đến bệnh viện khám và nội soi. Bác sĩ kết luận anh bị ung thư dạ dày giai đoạn đầu nhưng may mắn vì kịp thời phát hiện nên nếu tiến hành điều trị tích cực, bệnh của anh sẽ không còn nguy hiểm.
Tiểu Đặng cho biết, 3 năm trước, bố mẹ của anh cũng từng được chẩn đoán mắcung thư dạ dày. Giờ đến anh nữa, vậy là gia đình anh có 3 người cùng mắc bệnh nguy hiểm này trong cùng thời gian ngắn.
Qua trao đổi, được biết cả gia đình ba người trong nhà Tiểu Đặng không ai có thói quen hút thuốc hay uống rượu, trong nhà cũng không có tiền sử mắc ung thư dạ dày.
Bác sĩ cho biết, cả 3 thành viên trong gia đình Tiểu Đặng đều mắc ung thư dạ dày do thói quen ăn uống không lành mạnh kéo dài. Mẹ Tiểu Đặng thường xuyên cho một lượng muối khá lớn vào thức ăn khi nấu, lâu dần tạo thành thói quen.
Ngoài ra, mẹ Tiểu Đặng còn thường xuyên làm các món muối chua, đồ khô hun khói... Những món ăn này thường xuyên xuất hiện trên bàn ăn gia đình quanh năm. Nhưng họ không hề hay biết, đây đều là những thực phẩm rất có hại cho dạ dày.
Theo các bác sĩ, dạ dày là một trong những cơ quan tiêu hoá quan trọng trong cơ thể, chế độ ăn uống có thể quyết định sức khoẻ dạ dày vì đây là nơi trực tiếp tiếp nhận và xử lý thực phẩm, dần chuyển hoá thành dạng cơ thể có khả năng hấp thụ, tạo điều kiện cho quá trình tiếp nhận chất dinh dưỡng của ruột non. Chính vì vậy, nếu chế độ ăn uống không lành mạnh chắc chắn sẽ gây tổn hại đến sức khoẻ dạ dày.
Theo các bác sĩ Bệnh viện K, để bảo vệ dạ dày trước những tổn thương, người bệnh cần kiêng kỵ những thực phẩm sau đây:
Các chất kích thích thường có trong rượu, bia, café, thuốc lá... đều là những tác nhân hàng đầu gây ra bệnh ung thư dạ dày. Do đó, những người mắc bệnh ung thư tuyệt đối không nên sử dụng rượu, bia, thuốc lá. Ngoài ra, người bệnh ung thư dạ dày cũng nên tránh sử dụng đồ uống có chất caffeine, do có thể dẫn tới tình trạng mất nước.
Các thực phẩm lên men tạo điều kiện cho sự phát triển của ung thư, cho dù nó tạo cảm giác ngon miệng. Người bệnh nên tránh xa các loại thực phẩm như: dưa muối, cà muối, thịt muối, chanh, dâu, bưởi, cam.
Người bệnh ung thư nên hạn chế các loại thực phẩm gây thừa đường, dẫn tới khó tiêu và ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa vốn đang bị tổn thương của cơ thể. Đồng thời, người bệnh cũng cần tránh ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường đơn như kẹo, bánh ngọt, bánh quy….
Thực phẩm chế biến bằng phương pháp nướng với nhiệt độ cao có thể sinh ra một số chất gây ung thư dạ dày và làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh của người đang mắc ung thư dạ dày. Ngoài ra, người bệnh ung thư cũng cần tuân thủ một chế độ ăn uống nhạt, cắt giảm muối, chất phụ gia.
Người bệnh ung thư dạ dày nên ăn đa dạng các loại thức ăn cung cấp đủ dưỡng chất để cơ thể chống lại bệnh tật, đáp ứng phác đồ điều trị. Theo đó, chế độ ăn của người bệnh cần có đủ các dưỡng chất như: chất béo, tinh bột, sắt, canxi, chất xơ hòa tan, vitamin D; tránh đồ chua, ngọt, kích thích, đồ lên men.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên tuân thủ một số quy tắc trong chế biến và bảo quản thức ăn:
- Chia nhỏ bữa ăn từ 8-10 bữa/ngày. Ăn xe kẽ các bữa phụ và bữa chính
- Dùng thức ăn để nguội
- Hạn chế đồ ăn thô, cứng, nướng cháy
- Chế biến thức ăn đơn giản, mềm, xay nhuyễn
- Nên chọn thực phẩm an toàn. Tuyệt đối không sử dụng chất phụ gia.