Báo cáo với Quốc hội sáng 20/5, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết đến hết năm 2023, cả nước đã dành được 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.
So với báo cáo của Chính phủ vào tháng 10/2023, con số này đã tăng 120.000 tỷ đồng. Theo Phó thủ tướng, công tác chuẩn bị được triển khai tích cực để chính sách tiền lương mới thực hiện từ 1/7. Hiện nay, các cơ quan đã hoàn thành 19 thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện. 20 bộ ngành cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm của công chức nghiệp vụ chuyên ngành.
Hồi tháng 4, Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ hoàn thiện hồ sơ cải cách tiền lương để báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 5. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật triển khai chế độ tiền lương mới. Thủ tướng yêu cầu không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng thời điểm, đặc biệt là "không tăng giá vào thời điểm tăng lương".
Giao dịch tiền mặt tại một ngân hàng. Ảnh: Giang Huy
Báo cáo kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp, Chủ tịch Ủy Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết nhiều cử tri, nhân dân lo lắng khi giá các mặt hàng thiết yếu vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng. Việc này ảnh hưởng đến đời sống của những người làm công, ăn lương và lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định.
Ông kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát văn bản hướng dẫn, các điều kiện "cần và đủ" để triển khai chính sách tiền lương mới. Chính phủ cũng cần giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh để chính sách tiền lương mới thực sự động viên cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Hiện lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được tính bằng lương cơ sở (1,8 triệu đồng) nhân hệ số lương. Hệ số lương được tính theo ngạch bậc của từng nhóm công chức.
Từ ngày 1/7, công chức loại A (ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương) có mức lương cao nhất 14,4 triệu, thấp nhất 3,8 triệu đồng một tháng. Công chức loại B (ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương) mức lương cao nhất 7,3 triệu; thấp nhất 3,3 triệu đồng. Công chức loại C (ngạch chuyên viên hoặc tương đương), mức lương cao nhất 6,5 triệu; thấp nhất 2,4 triệu đồng.
Từ giữa năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng hiện nay. Dự kiến từ năm 2025, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiếp tục được tăng bình quân 7% mỗi năm.
Đề nghị Chính phủ có giải pháp hạn chế rút BHXH một lần
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng có tình trạng lao động thôi việc hàng loạt do e ngại thay đổi chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần, không có phụ cấp thâm niên. Ông đánh giá thị trường lao động rủi ro, đời sống bộ phận người dân khó khăn, nhất là vùng sâu và đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT tăng trưởng chậm. Số người dừng tham gia BHXH tự nguyện tăng do mức hỗ trợ còn thấp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo sáng 20/5. Ảnh: Media Quốc hội
"Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam năm thứ 3 liên tiếp không đạt mục tiêu cho thấy dấu hiệu giảm sút", ông Thanh nói, cho rằng nguyên nhân là chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, thiết hụt kỹ năng nghề, cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý, chưa ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, Thủ tướng có giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút BHXH một lần; sửa đổi điều kiện, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà ở xã hội. "Chính phủ cần quyết liệt thúc đẩy tiến độ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội", ông Thanh nói.