Nhiều bạn trẻ hiện nay có xu hướng tìm đến những không gian yên tĩnh, thoải mái để học tập, làm việc và sáng tạo. Các quán cà phê 24h đã trở thành lựa chọn hàng đầu. Đây không chỉ là nơi thưởng thức đồ uống mà còn như "ngôi nhà thứ hai" cho những người trẻ cần không gian học tập xuyên đêm. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này đang tồn tại những rủi ro và hạn chế nhất định về việc đảm bảo sức khỏe cũng như các vấn đề về an ninh trật tự.
“Cà phê 24h” là mô hình quán hoạt động không có giờ đóng cửa, đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng về một không gian thư giãn, làm việc và giao lưu xuyên suốt ngày đêm. Với đặc điểm nổi bật là hoạt động 24/7, phục vụ khách hàng mọi lúc, quán cà phê 24h trở thành điểm đến lý tưởng cho những người trẻ có xu hướng làm việc về đêm.
Vào mùa thi, các quán cà phê mở xuyên đêm chật kín chỗ từ sớm vì lượng khách là sinh viên tăng cao. Tại quán cà phê 24h ở Cầu Giấy (Hà Nội), càng về khuya, khách vào càng đông, chủ yếu là là các bạn học sinh, sinh viên. Đây cũng là địa điểm được bạn Hà, sinh viên năm 2 trường Học viện Tài chính chọn làm “phòng học” về đêm của mình. Hà cho biết vào đợt thi giữa kỳ hoặc cuối kỳ, cô có mặt tại quán cà phê từ 21h - 5h sáng để chạy deadline.
“Vào mùa thi ở trường, mình có nhiều bài tập cần phải xử lý. Khi ngồi học tại quán cà phê, xung quanh có nhiều sinh viên đang học như mình, được ôn tập cùng mọi người nên cảm giác có thể tập trung và học hiệu quả hơn nhiều”, Hà nói.
Thói quen ngồi làm việc xuyên đêm ở những quán cà phê 24h đã theo anh Quân, nhân viên làm việc trong một công ty truyền thông tại Đống Đa, Hà Nội, hai năm nay. Chia sẻ về thói quen này, anh cho rằng không gian bí bách, chật chội và quá yên tĩnh của phòng trọ khiến những ý tưởng bị mắc kẹt trong đầu, trong khi sáng tạo là thứ không thể thiếu với một người làm nghề truyền thông.
“Làm việc tại phòng trọ một mình khiến tôi cảm thấy mọi thứ xung quanh như đang ngưng lại, chỉ mình tôi chạy đua với lượng công việc chất đống. Tôi chọn quán cà phê 24h để làm việc cho thoải mái. Không gian thoáng đãng, không khí chạy deadline dồn dập tạo hiệu ứng tích cực giúp thêm tinh thần và bật mood sáng tạo tốt hơn”, Quân kể.
Không gian của các quán cà phê 24h được được thiết kế rộng rãi, thoải mái chia làm các khu vực chức năng như: khu vực yên tĩnh, khu vực riêng tư, khu vực ngoài trời,... Bên cạnh đó, việc sử dụng màu sắc, ánh sáng và âm thanh một cách khéo léo cũng góp phần tạo nên không gian ấm cúng, thân thiện và đầy cảm hứng cho khách hàng. Ngoài ra, quán cà phê còn cung cấp các dịch vụ và tiện ích đi kèm như wifi miễn phí tốc độ cao, ổ cắm điện, cổng sạc USB, không gian làm việc chung nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Việc các bạn trẻ liên tục tận dụng những quán nước, quán cà phê để ngồi làm việc, học tập cả ngày cũng gây nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng là sinh viên mà bỏ quá nhiều tiền để đi cà phê học bài là không tiết kiệm, bởi vì học ở nhà hay thư viện sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều.
Vì không muốn làm phiền các bạn cùng phòng ký túc xá bởi thói quen sống về đêm của mình, bạn Minh Hiếu, sinh viên năm cuối tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền chọn các quán cà phê mở xuyên đêm làm nơi chạy deadline.
“Thường 1 tuần ít nhất mình đi 4 lần, mỗi lần đi sẽ mất 45 - 50 nghìn để gọi đồ uống. Mỗi tháng trung bình mình sẽ chi khoảng 1 - 1,5 triệu đồng cho việc đi cà phê chạy deadline. Mình chấp nhận việc sẽ phải giảm các khoản chi tiêu khác để có thể chi trả cho số tiền đi cà phê mỗi tháng”, Hiếu chia sẻ.
Hơn nữa, không phải lúc nào không gian quán cà phê cũng yên tĩnh, phù hợp để các bạn trẻ học tập và làm việc. Hiếu cho biết đôi khi gặp những bạn đến học nhóm đông, thảo luận ồn ào quá mức cũng khiến cô bạn mất tập trung.
“Ngồi cà phê như một địa điểm lý tưởng để làm việc, hẹn hò hay gặp gỡ bạn bè nên nếu đi học nhóm quá đông thì cũng gây bất tiện cho bản thân, mình dễ bị cuốn theo câu chuyện của mọi người hay “sống ảo” mà không học” - Hiếu chia sẻ.
Làm việc về đêm đang dần trở thành lối sống “ăn sâu” vào thói quen của Gen Z, dù hiệu suất công việc tăng nhưng cũng khiến nhiều bạn trẻ bơ phờ, mệt mỏi, dễ cáu gắt vì nóng trong người do thiếu ngủ. Tại một quán cà phê tại quận Hà Đông, Trang Anh đang cặm cụi bên máy tính và mô hình đồ họa. Là sinh viên năm 3 ngành Thiết kế đồ họa, những ngày này, Trang Anh dành hầu hết thời gian chạy đồ án xuyên đêm cùng nhóm bạn tại quán cà phê 24h. Đồ án luôn là nỗi “ám ảnh” với sinh viên theo học ngành Thiết kế bởi những yêu cầu “nặng đô” nên Trang Anh phải dành rất nhiều tâm huyết và công sức khi thức đến 2 - 3 đêm liền cặm cụi vẽ, in thử và điều chỉnh cho kịp deadline.
Trang Anh cho biết thói quen chọn các quán cà phê 24h để chạy deadline đêm kéo dài từ hơn 1 năm nay, có tới 80% bạn bè của cô theo xu hướng này.
“10 người thì có tới 8 người bạn giống như mình, sau khi tắm rửa buổi tối xong sẽ ra quán cà phê ngồi làm việc xuyên đêm đến sáng hôm sau. Nếu sáng hôm đó có tiết học thì sẽ đến lớp luôn, không thì về nhà ngủ. Với những buổi sáng phải lên trường học thì bọn mình đều trong trạng thái gật gù và buồn ngủ, không thể tập trung trong giờ học”, Trang Anh cho hay.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, ban đêm là thời điểm các cơ quan trong cơ thể nghỉ ngơi để quay trở lại trạng thái tốt nhất cho những hoạt động của ngày tiếp theo. Nếu thức khuya lâu dài, chúng ta có thể bị chứng mất ngủ mãn tính. Khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Wakefield Research chỉ ra rằng có tới 37% người trẻ Việt bị mất ngủ, 73% bị căng thẳng do rối loạn giấc ngủ, thiếu ngủ. Áp lực công việc, học tập, tác động từ công nghệ hay thói quen thức khuya khiến nhiều bạn trẻ dễ cáu gắt, nóng trong người, thiếu sức sống.
Trong trường hợp các bạn sinh viên bất đắc dĩ phải thức khuya để học tập, các bác sĩ khuyên các bạn nên thư giãn 5 - 10 phút sau khoảng 45 - 50 phút tập trung cao độ để giúp cơ thể không bị mệt và tối ưu hóa sự tập trung. Trong khoảng nghỉ này, các bạn có thể hít thở sâu, uống nước, nghe nhạc hoặc vận động nhẹ nhàng. Và các bạn nên có những giấc ngủ khoảng 30 - 45 phút sau 2 tiếng học tập. Với giấc ngủ ngắn, các bạn sẽ vừa đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, vừa không bị mộng mị như khi tỉnh dậy từ giấc ngủ sâu.