Trong bối cảnh giá lợn hơi đạt đỉnh trong quý II/2024 cùng với giá thức ăn chăn nuôi rẻ, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi báo kết quả kinh tăng trưởng tích cực.
Từ đầu năm 2024, giá lợn hơi bật tăng đạt quanh ngưỡng 65.000 đồng/kg ở quý II, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ. Với điều kiện thuận lợi như vậy, các doanh nghiệp chăn nuôi có đạt được sự bứt phá trong nửa đầu năm nay?
Dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm chăn nuôi heo là HAG của "bầu Đức" khi lãi ròng tới 270 tỷ đồng trong quý II, gấp gần 2,4 lần cùng kỳ. Vẫn như thường lệ, mảng trái cây (cụ thể là xuất khẩu chuối) đóng góp chính vào doanh thu với hơn 1.100 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ.
Còn với mảng chăn nuôi, HAG chỉ đạt 320 tỷ đồng doanh thu trong quý II, thấp hơn cùng kỳ 28%. Lãi gộp mảng này được cải thiện mạnh tới 68%, đạt 86 tỷ đồng nhờ hưởng lợi từ giá thức ăn chăn nuôi rẻ.
Kết quả, HAGL lãi ròng 485 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng 27% so với cùng kỳ.
Nông nghiệp BAF của Chủ tịch Trương Sỹ Bá báo doanh thu "đi lùi" 25% trong quý II/2024 do thu hẹp quy mô mảng bán nông sản. Còn mảng chăn nuôi heo ghi nhận tăng trưởng mạnh với doanh thu gấp 4,7 lần cùng kỳ lên 1.331 tỷ đồng.
Chủ thương hiệu "heo ăn chay" cho biết, việc chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi từ 2 nhà máy cám chay, cũng như giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi "rẻ" trong nửa cuối 2023, đã giúp giá vốn giảm. Biên lãi gộp được cải thiện từ 5,8% lên 14,2%.
BAF cũng ghi nhận kết quả tăng trưởng vượt bậc trong hai quý đầu năm với lãi sau thuế 154 tỷ đồng, gấp 13 lần cùng kỳ.
Trong khi đó, Dabaco (mã: DBC, sàn HoSE) lại có kết quả đi lùi với lợi nhuận lao dốc tới 55%, chỉ đạt 144 tỷ đồng. Nguyên nhân thực tế do quý này không ghi nhận doanh thu lớn từ bất động sản như cùng kỳ.
Dù vậy, mảng chăn nuôi lợn của DBC cũng chịu ảnh hưởng vì giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi biến động và tình hình dịch bệnh (dịch tả heo châu Phi - ASF) diễn biến phức tạp.
Tương tự, Dabaco lãi ròng 218 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng mạnh so với khoản lợi nhuận 6 tỷ đồng cùng kỳ.