Phình bụng, sưng phù chân, tay hay phù mặt là những biểu hiện lâm sàng của tình trạng gan nhiễm mỡ nhưng dễ bị bỏ qua.
Bệnh gan nhiễm mỡ thường được phân thành hai loại: bệnh gan nhiễm mỡ do uống nhiều bia rượu (AFLD) và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), xảy ra ở những người uống ít hoặc không uống rượu. Cả hai tình trạng này đều có thể tiến triển thành các bệnh gan nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm gan nhiễm mỡ, xơ hóa, xơ gan và thậm chí ung thư gan. Một trong những biểu hiện lâm sàng quan trọng của bệnh gan nhiễm mỡ bao gồm sưng phù ở nhiều bộ phận trên cơ thể. Những dấu hiệu này thường dễ bị bỏ qua.
1. Phình bụng
Một trong những biểu hiện phổ biến nhất liên quan đến bệnh gan nhiễm mỡ là phình bụng, còn được gọi là cổ trướng. Cổ trướng xảy ra khi chất lỏng tích tụ trong khoang bụng, dẫn đến chu vi bụng tăng lên đáng kể. Tình trạng này thường là dấu hiệu của bệnh gan tiến triển, chẳng hạn như xơ gan, do bệnh gan nhiễm mỡ kéo dài. Gan khi bị tổn thương sẽ tạo ra ít albumin, chất giúp duy trì sự cân bằng chất lỏng trong mạch máu. Kết quả là chất lỏng rò rỉ vào khoang bụng. Bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu, đau và khó thở do áp lực của chất lỏng lên cơ hoành.
2. Sưng phù chân
Phù ngoại biên đề cập đến tình trạng sưng phù chân, mắt cá chân và bàn chân, thường thấy ở những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Tình trạng này phát sinh khi chức năng gan bị suy giảm ảnh hưởng đến khả năng sản xuất protein và hormone cần thiết cho cơ thể điều hòa chất lỏng.
Nồng độ albumin trong máu giảm dẫn đến chất lỏng rò rỉ ra khỏi mạch máu và tích tụ trong các mô chi dưới. Ngoài cảm giác nặng nề, căng cứng ở chân, chứng phù ngoại biên có thể gây ra các vấn đề khó chịu và di chuyển đáng kể. Nó thường trở nên trầm trọng hơn khi đứng hoặc ngồi trong thời gian dài.
3. Sưng phù bàn tay và cánh tay
Tương tự như phù chân, tình trạng ứ nước do rối loạn chức năng gan cũng có thể dẫn đến sưng phù bàn tay và cánh tay. Mặc dù ít phổ biến hơn so với phù ngoại biên, phù tay và cánh tay có thể là dấu hiệu của sự mất cân bằng chất lỏng tổng thể do bệnh gan gây ra. Tình trạng này có thể cản trở các hoạt động hàng ngày, gây khó chịu và giảm khả năng vận động.
4. Phình vùng bụng trên
Chứng gan to là một biểu hiện khác của bệnh gan nhiễm mỡ. Khi chất béo tích tụ trong tế bào gan, cơ quan này sưng lên và to ra, đôi khi gây ra tình trạng sưng tấy rõ rệt ở góc phần tư phía trên bên phải của bụng. Điều này có thể đi kèm với cảm giác no, khó chịu hoặc đau đớn. Cần tiến hành chụp và xét nghiệm chức năng gan để xác định mức độ liên quan đến gan và loại trừ các nguyên nhân khác gây gan to.
5. Phù mặt
Mặc dù ít được nhắc đến, phù mặt cũng có thể là triệu chứng liên quan đến bệnh gan tiến triển. Việc giữ lại natri và nước do gan giảm khả năng điều chỉnh các yếu tố này có thể dẫn đến xuất hiện bọng mắt. Phù mặt có thể không rõ rệt như phình bụng hay phù chân, nhưng nó vẫn đóng vai trò là đầu mối trực quan về các vấn đề ứ nước tiềm ẩn xuất phát từ rối loạn chức năng gan.
Làm thế nào để kiểm soát tình trạng sưng phù?
Giảm uống rượu (đối với AFLD) và áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh ít chất béo, đường có thể giúp kiểm soát bệnh gan nhiễm mỡ. Giảm cân thông qua chế độ ăn kiêng và tập thể dục đặc biệt hiệu quả đối với những người mắc NAFLD.
Thuốc lợi tiểu có thể được kê đơn để giúp giảm tình trạng ứ nước và sưng tấy. Trong trường hợp tăng huyết áp, có thể sử dụng thuốc hạ huyết áp trong gan.
Đối với cổ trướng nghiêm trọng, có thể phải thực hiện một thủ thuật gọi là chọc dịch màng bụng, trong đó kim được sử dụng để loại bỏ chất lỏng dư thừa ra khỏi khoang bụng, giúp giảm bớt sự khó chịu và áp lực.
Trong những trường hợp bệnh gan tiến triển mà các phương pháp điều trị khác thất bại, việc ghép gan có thể được xem xét.
Chăm sóc y tế liên tục, bao gồm kiểm tra sức khỏe định kỳ, nghiên cứu hình ảnh và xét nghiệm máu, là điều cần thiết để theo dõi chức năng gan, kiểm soát các triệu chứng bệnh một cách hiệu quả.
Hướng Dương (Theo TOI)