PLBĐ - Thông tin TAND TP. HCM sẽ xét xử kín vụ cha ruột và người tình bạo hành bé gái 8 tuổi tử vong đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhiều luật sư cũng đã nêu quan điểm về việc có cần thiết phải xử kín với vụ án này.
Tòa Gia đình và người chưa thành niên (TAND TP. HCM) đã có quyết định đưa vụ án bé gái N.T.V.A. (SN 2013) bị bạo hành tử vong tại căn hộ chung cư ở quận Bình Thạnh ra xét xử kín vào ngày 21/7 tới. Phiên xét xử sẽ do thẩm phán Nguyễn Văn Tuấn làm chủ tọa. Giữ vai trò công tố là kiểm sát viên Lê Thị Yến Như và Phan Trung Hải.
Bị can Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, cha bé gái) bị truy tố về tội "Hành hạ người khác" và "Che giấu tội phạm", tổng hợp khung hình phạt cao nhất là 8 năm tù. Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1995, người tình của Thái) bị truy tố về tội "Giết người" và "Hành hạ người khác", tổng hợp khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Để phục vụ việc xét xử, tòa triệu tập 5 nhân chứng. Các luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Hội bảo vệ quyền trẻ em TP. HCM); Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội); Phạm Công Hùng, Khưu Mỹ Vinh, Nguyễn Ngọc Trâm, Phạm Thị Ngọt, Võ Thị Xuân Thùy (Đoàn luật sư TP. HCM)... sẽ tham gia bảo vệ quyền lợi cho người liên quan và bào chữa cho các bị cáo.
Trước thông tin trên, trao đổi với VTC News, luật sư Nguyễn Anh Thơm - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bé V.A. cho biết việc xét xử kín trong vụ án này là không cần thiết. Mục đích xử kín là bảo vệ người dưới 18 tuổi, giữ bí mật đời tư, tránh gây tâm lý bất ổn và đảm bảo tương lai cho các cháu, nhưng vụ án này thì bị hại đã chết nên cần phải xét xử công khai nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa tội phạm nói chung.
Theo luật sư Thơm, Hiến pháp năm 2013 quy định về nguyên tắc xét xử tại Điều 103: "TAND xét xử công khai trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín".
Theo điểm d, khoản 1 Điều 7 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định xét xử kín vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi như sau:
Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Luật sư Thơm cho hay, những quy định này, trường hợp được xét xử kín thông thường là những vụ án vụ án xâm hại tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô…). Đặc biệt là những vụ án mà nạn nhân là trẻ em gái, người chưa thành niên thường được xét xử kín, tránh gây áp lực tâm lý cho nạn nhân. Hoặc các vụ án mà nạn nhân bị bạo hành là người dưới 18 tuổi để cần giữ bí mật đời tư, bảo vệ cho nạn nhân không bị áp lực tâm lý.
"Tuy nhiên, đây này là vụ án giết người, bị hại là bé V.A. đã tử vong thì việc xét xử kín là không cần thiết", luật sư Thơm nêu quan điểm.
Mặt khác, các cơ quan tố tụng từ ban đầu đã xác định đây là vụ án điểm để ngoài mục đích xử lý nghiêm còn để răn đe, phòng ngừa tội phạm xâm hại quyền trẻ em. Về nguyên tắc khi xét xử án điểm thì Tòa án phải có kế hoạch tổ chức tốt phiên tòa, đồng thời tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong và sau khi xét xử.
"Như vậy, nếu là án điểm mà lại xử kín thì khó trong công tác tuyên truyền và sẽ dẫn đến không đạt được yêu cầu chính trị địa phương và cả nước. Xử kín vụ bé V.A. sẽ không đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm. Xử kín vụ bé V.A sẽ không đáp ứng yêu cầu án điểm", luật sư Nguyễn Anh Thơm nhận định và cho biết cần xem xét lại việc xét án điểm của vụ án này.
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cũng cho biết trên ANTĐ, do bé A không còn nữa, tại phiên tòa không còn ai dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, vụ án này là vụ án Giết người, bị hại đã tử vong thì việc xét xử kín theo tinh thần Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC là không cần thiết, nên TAND cần xét xử công khai vụ việc.
Tuy nhiên, luật sư Hồng Vân cho rằng, dù nạn nhân đã mất nhưng những nội dung bị cáo khai tại tòa, nhất là phần mô tả cảnh hành hạ bé 8 tuổi sẽ rất ghê rợn, tác động xấu đến tâm lý những người chứng kiến, nhất là những trẻ nhỏ nếu chúng xem tường thuật trực tiếp với đầy đủ hình ảnh, nội dung từ phiên tòa. Do đó, việc xét xử kín hay công khai vụ cha ruột và người tình bạo hành bé gái 8 tuổi tử vong sẽ do TAND TP. HCM quyết định căn cứ trên các quy định hiện hành.
Theo cáo trạng, Nguyễn Võ Quỳnh Trang có quan hệ tình cảm với Nguyễn Kim Trung Thái sau khi người đàn ông này ly hôn. Trang sống chung như vợ chồng với Thái và ở cùng con riêng của Thái là cháu N.T.V.A. tại căn hộ chung cư Saigon Pearl (số 92 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, quận Bình Thạnh, TP. HCM).
Thời gian sống chung tại căn hộ chung cư, Thái giao bé V.A. cho Trang chăm sóc và dạy học. Sau đó, Trang đặt mua roi mây để "dạy dỗ" con của chồng. Khi roi bị gãy, Trang chuyển sang đánh bé bằng gậy gỗ dài 90cm.
Cáo trạng thể hiện, có những ngày Trang đánh bé V.A. trong tình trạng không mặc quần áo. Người phụ nữ bắt V.A. chui vào chuồng chó, quỳ gối trong đó.
Ngày 7/12/2021, Trang bắt bé V.A. quỳ gối hai tay giơ lên cao, dùng roi đánh bé. Thái ngồi trên giường chứng kiến cùng chửi mắng, bé V.A phải quỳ gối học bài. Liên tiếp từ ngày 7/12 đến ngày 12/12/2021, chứng kiến Trang nhiều lần đánh đập, hành hạ bé V.A. nhưng Thái không can ngăn, còn tham gia cùng Trang đánh đập, hành hạ bé A..
Ngoài ra, Trang đã dùng hung khí nguy hiểm đánh đập vào vùng trọng yếu của V.A. một cách dã man, tàn nhẫn trong gần 4 giờ dẫn đến việc bé tử vong. Trong khí đó, Thái là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc bé V.A., nhìn thấy Trang đánh và hành hạ nhiều ngày, nhiều giờ nhưng vẫn không ngăn cản.
Ngày 22/12/2021, khi biết Trang đánh cháu A. đến tử vong, Thái đã thực hiện hành vi xóa dữ liệu camera để che giấu hành vi phạm tội của Trang, gây cản trở việc điều tra.
Theo kết luận giám định pháp y, cơ quan chức năng xác định bé V.A. tử vong do phù phổi cấp, sốc chấn thương.
T.H (th)