Ngừng thở khi ngủ là một hội chứng rối loạn mà người bệnh có những cơn ngưng thở hoàn toàn trong ít nhất 10 lần, lặp đi lặp lại trong giấc ngủ, do tắc nghẽn đường thở hay do tổn thương thần kinh trung ương...
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có thể bị tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác, thậm chí dẫn đến đột tử.
Việc điều trị hội chứng ngừng thở khi ngủ được dựa trên mức độ bệnh. Mục tiêu điều trị là làm giảm tình trạng gián đoạn hô hấp và cải thiện giấc ngủ.
Ở mức độ nhẹ, người bệnh cần giảm cân , dùng gối tránh ngáy, ngủ ở tư thế nằm nghiêng, thay đổi lối sống như giảm bia rượu, thuốc lá… Ngoài ra, có thể dùng dụng cụ hỗ trợ gắn miệng đẩy hàm, điều trị viêm mũi dị ứng , bệnh lý tai mũi họng gây hẹp tắc đường thở nếu có.
Với những bệnh nhân ở mức độ trung bình hoặc nặng, bác sĩ có thể chỉ định đeo máy thở áp lực dương liên tục CPAP khi ngủ hoặc phẫu thuật chỉnh hình màn hầu - lưỡi gà (UPPP).
Đối với bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ mức độ nhẹ, việc thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, cụ thể như sau:
- Giảm cân: Chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan mật thiết đến tình trạng thừa cân, béo phì . Do đó người bệnh cần giảm cân bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và tăng cường vận động thể chất. Ưu tiên các loại thực phẩm giàu protein , chất xơ và carbohydrate phức hợp. Cùng với đó, cần hạn chế ăn đồ ăn nhanh, chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt…
- Tập thể dục thường xuyên: Vận động mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể nói chung và cũng giúp giảm bớt các triệu chứng của ngưng thở khi ngủ. Tùy vào thể trạng, nên duy trì tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày trong tuần với các hình thức như đi bộ , bơi lội, tập yoga…
- Thay đổi tư thế khi ngủ: Người bệnh ngưng thở khi ngủ nên lựa chọn tư thế ngủ nằm nghiêng một bên. Bởi tư thế nằm ngửa dễ làm cho lưỡi và vòm miệng tụt về phía cổ họng và làm nghẽn đường thở.
- Bỏ rượu bia và thuốc lá: Rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ngưng thở khi ngủ. Vì vậy, nên tránh xa những thói quen thiếu lành mạnh càng sớm càng tốt.
Chứng ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra khi các mô mềm ở đầu hoặc cổ, đặc biệt là quanh miệng và hàm, đè xuống khí quản. Các thiết bị đặc biệt có thể giúp giữ hàm và lưỡi ở vị trí không gây áp lực lên khí quản. Phương pháp này thường được áp dụng cho người bệnh mắc chứng ngưng thở khi ngủ dạng nhẹ đến trung bình.
Trong một số trường hợp tắc nghẽn do cấu trúc hàm, mũi hoặc cổ họng, có thể được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ vật cản và mở rộng đường dẫn khí.
Liệu pháp áp lực đường thở dương (PAP) là phương pháp điều trị dành cho hầu hết những người mắc chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Liệu pháp PAP giữ cho đường thở luôn mở với không khí có áp suất được bơm từ máy qua vòi và mặt nạ đeo trên mặt, chỉ được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Áp suất không khí của chúng phải được điều chỉnh dựa trên kết quả của nghiệm pháp đa ký giấc ngủ.
Một loại trị liệu PAP phổ biến là sử dụng thiết bị áp suất đường thở dương liên tục (CPAP) để đưa một luồng không khí luôn được đặt ở cùng một mức áp suất. Các loại thiết bị PAP khác, chẳng hạn như áp suất đường thở dương hai cấp độ (BiPAP) và áp suất đường thở dương tự động chuẩn độ (APAP) sẽ cung cấp sự thay đổi về lượng áp suất không khí.
Để điều trị hiệu quả hội chứng ngừng thở khi ngủ, bệnh nhân cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ. Tham gia tái khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng hoặc chuyên gia về giấc ngủ. Người bệnh cần theo dõi các triệu chứng bất thường và báo lại cho bác sĩ để có phương án xử lý kịp thời (nếu có).
Người bị ngừng thở khi ngủ có nguy cơ buồn ngủ vào ban ngày, vì thế nên tránh các hoạt động như lái xe hoặc vận hành máy móc hạng nặng khi buồn ngủ.
Ngoài ra, cần tránh sử dụng các thuốc an thần hoặc thuốc ngủ khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Những thuốc này làm các cơ cổ họng bị thả lỏng hơn, gây trở ngại cho việc hít thở.