Các tình huống pháp lý liên quan đến vụ đối tượng chở ma túy, tông cảnh sát giao thông và hai người dân tử vong

22/04/2023 19:58

GĐXH- Với hành vi cố tình nhấn ga tông thẳng vào CSGT nhằm tước đoạt mạng sống của nạn nhân, đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi giết người với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Công an tỉnh Long An đã tạm giữ 2 đối tượng liên quan đến vụ chở hàng cấm chống đối lệnh dừng xe, tông một CSGT tử vong. 

Khoảng 16h50 ngày 21/4, Công an huyện Đức Hòa (Long An) phối hợp với cơ quan chức năng làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm tuyến giao thông đoạn đường tỉnh 824 đoạn qua xã Mỹ Hạnh Nam. Lực lượng chức năng phát hiện một xe ô tô lưu thông với tốc độ nhanh chạy về hướng TPHCM có nhiều biểu hiện nghi vấn chở hàng cấm.

Đội tuần tra đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra nhưng chiếc xe bán tải trên vẫn tiếp tục chạy thẳng, tông vào xe của lực lượng cảnh sát và thiếu tá N.X.H (40 tuổi, cán bộ CSGT) rồi tiếp tục đâm một số phương tiện khác, sau đó lật nghiêng giữa đường.

Hậu quả vụ việc khiến 3 người bị thương nặng và tử vong sau khi được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Danh tính các nạn nhân thiệt mạng gồm: Thiếu tá N.X.H (40 tuổi, cán bộ cảnh sát giao thông); 2 nạn nhân khác là H.N.C.M (29 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) và P.T.K.T (50 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM). Được biết cả hai đều là công nhân ở một khu công nghiệp gần đó và đang trên đường đi làm về.

Các tình huống pháp lý liên quan đến vụ đối tượng chở ma túy, tông cảnh sát giao thông và hai người dân tử vong - Ảnh 2.

Hiện trường vụ việc (ảnh TL)

Bình luận về vụ việc nghiêm trọng này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, nếu đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy, đâm xe vào tổ công tác khiến ba người tử vong thì sẽ bị xử lý về nhiều tội danh với mức hình phạt cao nhất là tử hình

Việc các đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy khi bị bắt giữ và không chấp hành, bỏ trốn là chuyện không hiếm gặp. Tuy nhiên, hành vi đâm xe vào tổ công tác để chống người thi hành công vụ, nhằm mục đích trốn chạy là hành vi đặc biệt nguy hiểm.

Qua clip cho thấy có nhiều người tập trung khiến đoạn đường đông đúc và cảnh sát giao thông hiệu lệnh dừng xe nhưng đối tượng vẫn lao vào đám đông, trong đó có hai CSGT. Đây là hành vi rất nguy hiểm, có dấu hiệu của tội "Giết người".

Xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, việc sử dụng phải tuân thủ các quy tắc để đảm bảo an toàn giao thông. Người điều khiển phương tiện phải làm chủ tốc độ, chú ý quan sát, phải tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, khi gặp chướng ngại vật phải giảm tốc độ và dừng lại. Tuy nhiên, đoạn clip cho thấy, đối tượng đã tăng ga và đâm vào cảnh sát giao thông cùng nhiều người trên đường. 

Nếu đối tượng chủ động đâm xe vào tổ công tác nhằm bỏ trốn thì đây là hành vi giết người. Đối tượng đã sử dụng phương tiện có thể làm chết nhiều người để gây án nên mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.

Các tình huống pháp lý liên quan đến vụ đối tượng chở ma túy, tông cảnh sát giao thông và hai người dân tử vong - Ảnh 3.

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, nghi phạm khó thoát án tử

Về nguyên tắc thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ khoảng cách giữa cảnh sát giao thông với phương tiện này khi ra hiệu lệnh và khả năng quan sát của người điều khiển phương tiện như thế nào; xác định phản ứng của người điều khiển phương tiện khi thấy hiệu lệnh của cảnh sát giao thông để làm rõ sự việc có lỗi của người điều khiển hay không. 

Nếu xác định lỗi của người điều khiển phương tiện thì cũng cần làm rõ lỗi vô ý hay cố ý đối với hậu quả để xử lý hình sự người điều khiển chiếc xe ô tô theo Điều 123 hay Điều 260 của Bộ luật Hình sự.

Nếu kết quả điều tra cho thấy, người điều khiển phương tiện giao thông đã phát hiện ra cảnh sát giao thông đang có hiệu lệnh dừng xe nhưng cố tình không dừng thì hành vi này được xác định là có lỗi. Không lựa chọn tình huống chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện, lại cố tình đâm xe vào lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ dẫn đến hậu quả ba người tử vong thì đây là hành vi giết người. 

Với các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: "Có tính chất côn đồ"; "phạm tội với người thi hành công vụ"; "giết từ 02 người trở lên". Do vậy, tài xế sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình theo quy định tại khoản 1 (Điều 123, BLHS 2015).

Còn trường hợp do chạy quá tốc độ nên không kịp xử lý tình huống khi phát hiện cảnh sát giao thông dừng xe thì có thể sẽ không bị xử lý về tội "Giết người" nhưng sẽ xử lý hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260 (BLHS 2015). Với hậu quả ba người chết thì mức hình phạt có thể tới 15 năm tù.

Ngoài ra, trường hợp xác minh cho thấy, đối tượng này đã vận chuyển trái phép ma túy, bị lực lượng chức năng phát hiện. Khi cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe mà không chấp hành, cố tình đâm xe vào tổ công tác khiến ba người tử vong thì đối tượng sẽ bị xử lý hình sự về nhiều tội danh với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trong đó có tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy" và tội "Giết người".

Ngoài việc bị xử lý với khung hình phạt cao nhất thì đối tượng gây án sẽ phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, chi phí mai táng và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguồn gốc số hàng cấm trên xe là từ đâu, sẽ xác định vụ việc có đồng phạm hay không để mở rộng điều tra, tiếp tục làm rõ các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. 

"Việc bắt tội phạm về ma túy và hoạt động nguy hiểm, cần có sự phối hợp của các lực lượng chức năng. Đồng thời có các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo an toàn cho lực lượng thi hành công vụ nhằm tránh thương vong có thể xảy ra", Tiến sĩ Cường chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các tình huống pháp lý liên quan đến vụ đối tượng chở ma túy, tông cảnh sát giao thông và hai người dân tử vong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO