Bài viết trình bày các trường hợp và thủ tục chấm dứt hoạt động Trung tâm hòa giải thương mại, hoạt động hòa giải thương mại của Trung tâm trọng tài theo quy định hiện hành.
Các trường hợp chấm dứt hoạt động Trung tâm hòa giải thương mại, hoạt động hòa giải thương mại của Trung tâm trọng tài 2024 (Hình ảnh từ Internet)
Tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 22/2017/NĐ-CP thì trung tâm hòa giải thương mại chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:
- Tự chấm dứt hoạt động;
- Bị thu hồi Giấy phép thành lập theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định 22/2017/NĐ-CP.
Trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 Nghị định 22/2017/NĐ-CP thì chậm nhất 30 ngày trước ngày chấm dứt hoạt động, Trung tâm hòa giải thương mại thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đăng ký hoạt động.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày quyết định chấm dứt hoạt động, Trung tâm hòa giải thương mại thanh toán xong các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác, thanh lý các hợp đồng, hoàn tất các vụ việc đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn tất các thủ tục nêu tại khoản 2 Điều 31 Nghị định 22/2017/NĐ-CP, Trung tâm hòa giải thương mại báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đăng ký hoạt động. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Trung tâm hòa giải thương mại, Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi Giấy phép thành lập. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Quyết định thu hồi Giấy phép thành lập của Bộ Tư pháp có hiệu lực, Sở Tư pháp ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm.
Trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 22/2017/NĐ-CP, thì trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày quyết định của Bộ Tư pháp về việc thu hồi Giấy phép thành lập của Trung tâm hòa giải thương mại có hiệu lực, Trung tâm thanh toán xong các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác, thanh lý các hợp đồng, hoàn tất các vụ việc đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tại khoản 5 Điều 30 Nghị định 22/2017/NĐ-CP thì trung tâm trọng tài chấm dứt việc thực hiện hoạt động hòa giải thương mại trong các trường hợp sau đây:
- Trung tâm trọng tài chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại;
- Trung tâm trọng tài chấm dứt việc thực hiện hoạt động hòa giải thương mại theo Điều lệ của Trung tâm;
- Trung tâm trọng tài không tiến hành bất kỳ hoạt động hòa giải thương mại nào trong vòng 05 năm, kể từ ngày quyết định bổ sung hoạt động hòa giải thương mại của Bộ Tư pháp có hiệu lực;
- Trung tâm trọng tài có hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động hòa giải thương mại theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà tái phạm.
Việc chấm dứt hoạt động của Trung tâm trọng tài theo quy định tại điểm a và b khoản 5 Điều 30 Nghị định 22/2017/NĐ-CP được thực hiện theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại. Việc thanh toán các nghĩa vụ của Trung tâm được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định 22/2017/NĐ-CP.
Trường hợp Trung tâm trọng tài chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm c và d khoản 5 Điều 30 Nghị định 22/2017/NĐ-CP, Bộ Tư pháp có văn bản thu hồi quyết định bổ sung hoạt động hòa giải thương mại của Trung tâm trọng tài. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày văn bản thu hồi quyết định bổ sung hoạt động hòa giải thương mại có hiệu lực, Trung tâm trọng tài thực hiện việc thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm trọng tài đăng ký hoạt động. Trình tự, thủ tục thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động thực hiện theo pháp luật về trọng tài thương mại. Việc thanh toán các nghĩa vụ của Trung tâm được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Nghị định 22/2017/NĐ-CP.