Để tránh làm cho lượng đường trong máu tăng cao, người bệnh đái tháo đường cần kiểm soát chế độ ăn uống. Vậy người bệnh có phải tránh ăn vặt không và nên chọn ăn gì để không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu?
Bên cạnh việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ thì xây dựng lối sống lành mạnh kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý là những nguyên tắc cơ bản giúp người bệnh đái tháo đường sống khỏe và ngăn ngừa được những biến chứng do bệnh gây ra.
Đối với người mắc bệnh đái tháo đường, đường máu thường tăng cao sau khi ăn nhưng lại không chuyển hóa được để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Để tránh làm cho lượng đường trong máu tăng cao, người bệnh cần phải có chế độ ăn uống phù hợp tùy theo tình trạng bệnh.
Người bệnh cần giữ chế độ ăn uống điều độ, đúng giờ, không bỏ bữa để tránh không làm tăng đường huyết sau bữa ăn và hạ đường huyết lúc xa bữa ăn.
Đối với nhu cầu ăn nhẹ (ăn bữa phụ), người bệnh cần lắng nghe tín hiệu đói của cơ thể. Tự hỏi bản thân xem có thực sự đói hay không hay mong muốn ăn vặt có thể xuất phát từ thói quen, sự buồn chán hoặc căng thẳng. Nếu thực sự cảm thấy đói, bữa chính ăn không đủ, luyện tập thể lực nhiều... thì nên ăn bữa phụ để tránh nguy cơ bị hạ đường huyết.
Theo Hướng dẫn của Bộ Y tế, người bệnh đái tháo đường cần duy trì 3 bữa ăn chính trong ngày. Bữa phụ của người bệnh cần cá nhân hóa. Cụ thể:
Khi chọn đồ ăn nhẹ, cần cân nhắc đến hàm lượng dinh dưỡng của nó. Một bữa ăn nhẹ cung cấp protein và chất béo lành mạnh và ít carbohydrate có thể giúp người bệnh no lâu và giảm nguy cơ tăng đột biến lượng đường trong máu.
So với protein và chất béo, carbohydrate có tác động lớn nhất đến lượng đường trong máu. Đó là lý do tại sao việc kiểm soát lượng carbohydrate nạp vào cơ thể lại rất quan trọng với người bệnh đái tháo đường.
Carbohydrate có 3 dạng là đường, tinh bột và chất xơ. Tuy nhiên sự tác động của các loại không giống nhau. Người bệnh đái tháo đường nên chọn những loại carbohydrate phức tạp thay vì carbohydrate tinh chế đơn giản đã được xử lý và loại bỏ các chất dinh dưỡng quan trọng như chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Những thực phẩm chứa carbs phức tạp bao gồm: ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch , gạo lứt, diêm mạch, lúa mạch, rau, trái cây, bánh mì nguyên cám…
Giống như chất xơ và chất béo, protein đóng vai trò điều chỉnh cơn đói bằng cách làm chậm quá trình giải phóng glucose vào máu. Ví dụ khi chúng ta chỉ ăn carbohydrate, glucose sẽ nhanh chóng được hấp thụ vào máu. Kết quả là lượng đường trong máu tăng nhanh và sau đó giảm xuống nhanh dẫn đến cảm giác mệt mỏi hoặc thiếu tập trung.
Còn nếu chúng ta ăn protein, ngoài việc giúp ổn định lượng đường trong máu, cải thiện mức năng lượng, protein còn ảnh hưởng đến các hormone giúp kiểm soát sự thèm ăn và thúc đẩy cảm giác no.
Chất xơ không những hỗ trợ tiêu hóa mà còn giúp giảm cholesterol và kiểm soát đường huyết. Người bệnh đái tháo đường ăn chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan có thể làm chậm quá trình hấp thụ đường.
Khi chất xơ hòa tan di chuyển qua ruột, nó trộn với nước và tạo thành một chất giống như gel, ngăn cản sự hấp thụ chất dinh dưỡng đa lượng. Điều này làm chậm quá trình tiêu hóa, giúp kiểm soát lượng đường đi vào máu.
Nguồn thực phẩm giàu chất xơ hòa tan bao gồm các loại ngũ cốc như: yến mạch, lúa mì, lúa mạch, bánh mì nguyên cám, nấm…
Chất béo lành mạnh giúp kiểm soát đường trong máu cao bằng cách cung cấp các lợi ích chống viêm và chống oxy hóa có thể giúp điều chỉnh sự trao đổi chất và phản ứng của cơ thể với insulin.
Chất béo lành mạnh bao gồm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa cũng góp phần cải thiện mức cholesterol trong máu, tốt cho hệ tim mạch của người bệnh đái tháo đường.
Nguồn thực phẩm giàu chất béo lành mạnh là: dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hướng dương, quả óc chó, quả bơ và các loại hạt; Các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi, cá cơm…
Theo ThS.BS. Nguyễn Thu Yên, chuyên gia Nội tiết - Đái tháo đường, những món ăn vặt phù hợp nhất cho người bệnh đái tháo đường là những thực phẩm chứa ít tinh bột, giàu đạm, chất xơ và chất béo lành mạnh như: Trái cây (cam, quýt, bưởi, ổi, táo, bơ, thanh long, dâu tây...); Các loại hạt không muối (hạt điều, óc chó, hạnh nhân, hạt dẻ, hướng dương, lạc…); Sữa chua không đường, sữa tươi không đường; Trà, cà phê không đường...
Nên tránh các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, nhiều đường, nhiều năng lượng như: trái cây ngọt nhiều, trái cây sấy khô, bánh, kẹo, nước ngọt…