Tiêu chảy cấp do virus thường xuất hiện trong mùa hè, đặc biệt là sau mùa mưa lũ. Do lúc này thời tiết, môi trường, nguồn nước dễ bị ô nhiễm dẫn đến virus lây lan. Cần dùng thuốc điều trị tiêu chảy cấp do virus như thế nào?
Tiêu chảy cấp do virus thường có các biểu hiện:
Là bệnh do virus gây ra, do đó không dùng kháng sinh. Bệnh có thể tự khỏi sau 1 tuần, tổng trạng của bệnh nhân vẫn ổn nếu được bổ sung nước, điện giải cũng như dinh dưỡng đầy đủ. Do đó, điều trị quan trọng nhất là bù nước và điện giải để tránh sốc do mất nước. Các thuốc khác chỉ là bổ sung giúp giảm triệu chứng và nâng cao thể trạng. Theo đó, dùng thuốc điều trị của tiêu chảy do virus tại nhà như sau:
Bù nước và điện giải : Đây là biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất trong điều trị tiêu chảy cấp. Ưu tiên hàng đầu là dung dịch oresol áp lực thẩm thấu thấp.
Oresol có dạng 1 gói pha với 200ml hoặc 1 gói pha với 1000ml. Ngoài oresol có thể dùng viên hydrite cũng pha với 200ml nước. Lưu ý khi pha thuốc phải đúng theo tỉ lệ này, không được pha đặc hơn, cũng không được pha loãng hơn. Dùng duy nhất một loại nước là nước đun sôi để nguội pha thuốc.
Nên uống oresol sau mỗi lần tiêu chảy, cố gắng bù đủ lượng nước tương đương sau mỗi lần đi ngoài. Chú ý nên uống từng ngụm nhỏ, chia đều chứ không nên cùng một lúc uống cả một cốc lớn.
Đối với bệnh nhân là trẻ em, dễ bị nôn nên cho trẻ uống từng thìa nhỏ một. Cố gắng để cho trẻ uống được càng nhiều càng tốt, nhưng không nên quá ép vì có thể gây nôn sẽ càng mất nước.
Cần bù nước và điện giải cho đến khi phân tốt lên và không còn tiêu chảy.
Men vi sinh : Khi bị tiêu chảy cấp, một số vi khuẩn có lợi cho đường ruột cũng bị giảm đi, do đó có thể dẫn đến nguy cơ mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Men vi sinh không phải là thuốc điều trị, mà là các vi sinh vật có lợi cho đường ruột.
Đối với tiêu chảy cấp do virus, khi bổ sung sớm men vi sinh có thể rút ngắn thời gian tiêu chảy. Quyết định dùng men vi sinh hay không không ảnh hưởng đến quá trình điều trị, nếu muốn bổ sung thì có thể dùng vì men vi sinh không gây hại. Đối với trẻ em, nếu trẻ chịu uống thì nên bổ sung.
Lưu ý không nên dùng men vi sinh kéo dài, thời gian dùng thông thường là từ 7 - 10 ngày.
Thuốc giảm tiết nước đường ruột: Thuốc cũng không có hiệu quả nhiều trong điều trị tiêu chảy cấp do virus. Nhưng thuốc có tác dụng làm giảm lượng nước trong phân và làm giảm được nguy cơ mất nước. Thuốc muốn có hiệu quả thì phải dùng sớm ngay từ ngày đầu trong giai đoạn phân nhiều nước. Khi đã chuyển sang giai đoạn đi nhiều lần thì thuốc không còn hiệu quả lắm.
Thuốc hấp phụ, bao phủ niêm mạc ruột diosmectite: Là thuốc có thể dùng vì đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Thuốc này nên dùng trong giai đoạn trẻ đi ngoài nhiều lần. Không nên dùng thuốc nếu phân có máu, trẻ sốt cao.
Thuốc làm giảm nhu động ruột loperamid: Có tác dụng làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hóa và tăng trương lực cơ thắt hậu môn. Loperamid còn có tác dụng kéo dài thời gian vận chuyển thức ăn qua ruột, tăng vận chuyển dịch và chất điện giải qua niêm mạc ruột. Do đó làm giảm sự mất nước và điện giải, giảm lượng phân. Chính vì vậy, thuốc được dùng để điều trị triệu chứng tiêu chảy cấp không có biến chứng hoặc tiêu chảy mạn ở người lớn và trẻ tử 13 tuổi trở lên.
Thuốc chống chỉ định với các trường hợp trẻ dưới 12 tuổi và người già. Không dùng loperamid trong các trường hợp như mẫn cảm với thuốc; khi cần tránh ức chế nhu động ruột, có tổn thương gan, viêm đại tràng nặng, viêm đại tràng màng giả mạc, hội chứng lỵ, bụng chướng. Phụ nữ có thai cũng không nên dùng thuốc.
Trong quá trình dùng thuốc cần theo dõi nhu động ruột và lượng phân, nhiệt độ cơ thể, theo dõi chướng bụng. Với những người bệnh giảm chức năng gan hoặc viêm loét đại tràng cần dùng thuốc một cách thận trọng. Ngừng thuốc nếu không thấy có kết quả trong vòng 48 giờ.
Bổ sung kẽm : Mặc dù không phải là thuốc điều trị tiêu chảy, nhưng trong khi bị tiêu chảy cơ thể có nguy cơ bị mất kẽm. Do đó việc bổ sung kẽm rất có ý nghĩa với trẻ em biếng ăn hoặc không được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, khẩu phần ăn ít thịt, cá, tôm...
Trường hợp này kẽm rất có ích giúp rút ngắn thời gian bị tiêu chảy và mức độ nặng của bệnh. Tuy nhiên khi uống kẽm lại làm tăng nguy cơ nôn ói, do đó cân nhắc khi dùng. Kẽm cũng không phải là ưu tiên hàng đầu với những trẻ em có chế độ dinh dưỡng đa dạng, được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ thịt, tôm, cá, rau củ quả hằng ngày...
Trường hợp cần bổ sung, nên dùng kẽm dạng viên hoặc dạng bột, hạn chế dùng loại siro. Liều dùng nên theo chỉ dẫn hoặc tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ.
Thuốc chống nôn : Trường hợp nôn nhiều, có thể sử dụng thuốc chống nôn. Thuốc này giúp giảm nguy cơ mất nước và nhập viện. Trước khi dùng thuốc cần hỏi ý kiến của bác sĩ về liều dùng cũng như cách dùng.