Thời tiết trở lạnh là lúc những món ăn, vị thuốc có tính ấm lên ngôi. Ngải cứu là vị thuốc có rất nhiều lợi ích cho cơ thể, nhất là trong mùa lạnh. Vậy cách dùng như thế nào là tốt nhất?
Theo Đông y, ngải cứu có vị đắng, cay, tính ấm và táo, đi vào các kinh can, tỳ, thận; có tác dụng tán khí, có thể lý khí huyết, ôn kinh mạch, trừ hàn thấp và giảm đau do lạnh. Đây là một vị thuốc quan trọng trong phụ khoa, được dùng để chữa các chứng đau lạnh vùng bụng, rối loạn kinh nguyệt do hàn, tử cung lạnh gây vô sinh...
Khi sao thành than, ngải cứu có tác dụng chỉ huyết, có thể dùng để chữa các chứng kinh nguyệt quá nhiều do hư hàn, băng lậu, đới hạ, động thai ... Bên cạnh đó, Đông y cũng thường dùng ngải cứu trong điều trị các bệnh xương khớp, phòng và điều trị các bệnh đường hô hấp, lưu thông kinh mạch, giảm đau…
Ngải cứu có nhiều tác dụng với sức khỏe.
Ngoài tác dụng làm thuốc sắc uống, Đông y còn dùng ngải cứu dưới dạng giã nhỏ để làm thành điếu hoặc trụ ngải dùng hơ bên ngoài các huyệt vị gọi là phương pháp cứu ngải, giúp tán hàn giảm đau, làm ấm khí huyết.
Y học hiện đại cũng tìm ra rất nhiều tác dụng của ngải cứu như có khả năng chống viêm, sát khuẩn, giảm sự sinh trưởng của vi khuẩn và ký sinh trùng .
Theo một số nguyên cứu trong ngải cứu còn chứa thujone, chamazulene là những chất chống oxy hóa rất tốt. Vì vậy ngải cứu còn được sử dụng trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý như alzheimer, bệnh ung thư, các bệnh tim mạch...
Ngoài ra trong ngải cứu còn chứa tinh dầu khuynh diệp, α-thujone, có tác dụng giảm ho , bình suyễn, kháng khuẩn, chống dị ứng …
Ngải cứu chứa tinh dầu khuynh diệp có tác dụng giảm ho...
Từ xa xưa ngải cứu đã là một món ăn rất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày của các nước phương Đông. Ngải cứu có mùi thơm đặc trưng, dễ kết hợp với các nguyên liệu khác, chẳng hạn như gói làm bánh hoặc hấp với bột để làm nổi bật hương vị ngải. Có thể nấu ngải cứu với các loại thịt để làm canh bổ khí, kiện tỳ và an thần .
Tắm với ngải
Ngải cứu có tác dụng khử trùng, đuổi tà khí, diệt côn trùng và bảo vệ sức khỏe, do đó tắm với nước ngải rất có lợi cho cơ thể. Cách nấu nước ngải không phức tạp: Rửa sạch ngải để loại bỏ bụi bẩn, sau đó đun sôi khoảng 5-10 phút, vớt ngải ra và đổ nước vào bồn tắm là có thể sử dụng.
Dầu bay hơi trong lá ngải có tác dụng giảm ho, long đờm và chống dị ứng rõ rệt, vì vậy ngâm chân trong nước ngải cũng có tác dụng giảm ho.
Nói chung, ngải cứu khi dùng ngoài ít gây phản ứng phụ và hiếm khi gây ngộ độc, nhưng không nên dùng quá đặc; chỉ cần dùng một lượng lá ngải cứu vừa đủ và ngưng khi triệu chứng giảm.
Xoa lên da
Vào mùa có nhiều muỗi, việc sử dụng thuốc diệt côn trùng hoặc nhang đuổi muỗi có thể gây hại cho sức khỏe. Có thể sử dụng lá ngải bằng cách ngâm ngải vào dầu tràm trà trong chai thủy tinh khoảng một tháng để tinh chất ngải tan vào dầu, tạo mùi thơm đậm.
Sau đó, lọc dầu và thêm tinh dầu hoa oải hương, bạc hà , cỏ chanh, rồi đựng trong chai lăn để dùng làm thuốc chống muỗi tự nhiên, tiện lợi và thân thiện với môi trường.
Cứu ngải
Ngải cứu, theo Đông y, có tác dụng ôn dương bổ khí, thư giãn kinh mạch, hóa ứ tán kết, bổ trung ích khí. Mùa hè là mùa dương khí vượng nhất trong năm, vì vậy cứu ngải vào thời gian này sẽ có hiệu quả cao, nhờ khí dương của trời đất hỗ trợ, chính vì vậy khi thu hoạch ngải để cứu các thầy thuốc Đông y thường chọn ngày 5/5 âm lịch.
Phương pháp cứu ngải là đốt cháy điếu ngải cứu, sau đó hơ lên các huyệt vị cần trị liệu trên cơ thể để khí và nhiệt của ngải thấm vào da thịt, kinh mạch, từ đó chữa trị bệnh.
Một phương pháp dân gian cũng cho tác dụng tương tự cứu ngải đó là chườm bằng ngải. Lấy lá ngải cứu, sao lên cho nóng, có thể cho thêm một chút cám gạo hoặc muối hạt để tăng khả năng giữ nhiệt. Bọc ngải trong khăn vải rồi chườm vào vùng bệnh. Ngải cứu khi chườm nóng có thể giúp điều trị các bệnh lý xương khớp, các trường hợp đau bụng do lạnh, phụ nữ đau bụng trong thời gian hành kinh…
Cứu ngải là phương pháp chữa bệnh có từ lâu đời, có tác dụng thư giãn kinh mạch.
Mặc dù ngải cứu có nhiều tác dụng với sức khỏe nhưng vẫn là một vị thuốc nên khi sử dụng cần lưu ý:
- Đối với phương pháp cứu ngải, chườm ngải: Khi thực hiện cần lưu ý sau khi cứu hoặc chườm ấm, nên tránh tiếp xúc với gió, hơi lạnh; không nên rửa tay hoặc tắm bằng nước lạnh trong vòng nửa giờ, cũng không nên uống nước lạnh hoặc nước đá, mà nên uống nhiều nước ấm để nâng cao hiệu quả điều trị.
Không nên cứu ngải trong vòng một giờ sau khi ăn; phụ nữ trong kỳ kinh, người bị sốt cao, người quá đói no, quá mệt mỏi, hoặc có cơ thể bị sưng đỏ đều không thích hợp để cứu ngải.
- Những trường hợp không nên dùng ngải cứu: Phụ nữ có thai 3 tháng đầu, người bị viêm gan, xơ gan nặng, người bị rối loạn đường ruột cấp tính.
Ngoài ra, không nên kết hợp ngải cứu với nghệ khi chưa có chỉ định của chuyên gia và không nên dùng thường xuyên do dễ bị ngộ độc chất Alpha- thujone gây kích thích não bộ quá mức.