Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Tại Việt Nam, xăng sinh học được đưa vào sử dụng từ năm 2017, với việc pha trộn 5% Ethanol vào xăng khoáng RON92 để tạo thành xăng E5 RON92. Đáng tiếc là đến nay người dân chưa mặn mà sử dụng loại xăng này.
Mới đây, Hiệp hội Nhiên liệu Sinh học Việt Nam đã có văn bản gửi Cục Quản lý và Phát triển Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhằm thông tin một số vấn đề liên quan đến thuế nhập khẩu Ethanol 99% dùng để pha chế xăng sinh học, cũng như bối cảnh tổng thể trong đàm phán thuế quan và quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới.
Theo hiệp hội, thuế nhập khẩu đối với Ethanol 99% (loại Ethanol chuyên dùng để pha chế xăng sinh học) đã liên tục được điều chỉnh giảm, từ mức 15% xuống còn 12%, 10% và gần đây nhất là 5%. Động thái này nằm trong khuôn khổ chính sách thương mại chung giữa Việt Nam và Mỹ.
Ethanol là một trong những mặt hàng thế mạnh của Hoa Kỳ, quốc gia hiện chiếm khoảng 50% tổng sản lượng Ethanol toàn cầu. Hơn 50% sản lượng ngũ cốc của Mỹ được sử dụng để sản xuất Ethanol, nhờ vào chương trình phát triển xăng sinh học đã được triển khai hiệu quả trong nhiều năm. Tại Mỹ, toàn bộ xăng bán ra thị trường bắt buộc phải pha trộn Ethanol với tỷ lệ từ 10% đến 20%, tùy quy định cụ thể của từng bang.
Với những lợi ích to lớn từ việc sử dụng nhiên liệu sinh học như giảm ô nhiễm môi trường và góp phần giải quyết đầu ra ổn định cho ngành nông nghiệp, hầu hết các nước trên thế giới đều quy định bắt buộc sử dụng xăng sinh học trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Tại Việt Nam, xăng sinh học được đưa vào sử dụng từ năm 2017, với việc pha trộn 5% Ethanol vào xăng khoáng RON92 để tạo thành xăng E5 RON92.
Hiện nay, thị trường trong nước duy trì hai loại xăng chủ yếu là E5RON92 và RON95, với tổng lượng tiêu thụ khoảng trên 10 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng xăng E5RON92 hiện vẫn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 15%. Điều này dẫn đến việc mục tiêu bảo vệ môi trường chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương, Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam cùng Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã đề xuất cần sớm triển khai chương trình xăng sinh học E10 toàn phần. Theo đó, việc pha trộn 10% Ethanol sẽ trở thành bắt buộc đối với cả hai loại xăng đang lưu hành trên thị trường.
Theo Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, đây là một trong những giải pháp để tạo dư địa nhập khẩu mặt hàng Ethanol từ Mỹ, thay vì chỉ sử dụng công cụ hạ thuế nhập khẩu mặt hàng này về 0%, qua đó góp phần cân bằng cán cân thương mại giữa hai quốc gia.
Hiện nay, chúng ta đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để thực hiện việc phối trộn và cung cấp nhiên liệu E10. Theo đó, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị Thủ tướng quy định cụ thể về lộ trình phối trộn E10. Cụ thể, xăng E10RON95 thay thế cho xăng RON 95 từ 1/10/2025; xăng E10RON92 thay thế cho xăng E5RON92 từ 1/10/2025.
Báo cáo đánh giá của Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công Thương) cho thấy, mặc dù Chính phủ rất quyết tâm và đã triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, song, xu hướng sử dụng nhiên liệu này đang giảm dần ở những năm gần đây.
Nguyên nhân bởi chênh lệch giá giữa xăng sinh học và xăng khoáng truyền thống không đủ hấp dẫn để người tiêu dùng chuyển đổi sử dụng xăng sinh học. Hiện nay, người tiêu dùng còn định kiến dùng loại xăng này có thể ảnh hưởng tới động cơ, đặc biệt là đối với những người dùng xe máy.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, xăng E5 ngày càng giảm tiêu thụ do DN kinh doanh không có lãi. Thuế bảo vệ môi trường có giảm nhưng cũng không chênh lệch nhiều với xăng Ron 95, giá cả giữa xăng sinh học E5 với xăng khoáng không lớn nên không được người dân ưu tiên sử dụng.
Bên cạnh đó, việc nhập ethanol (nguyên liệu sản xuất xăng E5) từ nước ngoài rẻ hơn so với trong nước. Do đó, DN đầu tư các dự án sản xuất ethanol gần như không hiệu quả. Đây là những lý do khiến việc thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không đạt kết quả như mong muốn.
Theo PGS TS chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, nếu người dân sử dụng xăng E5 sẽ giúp bảo vệ môi trường nhưng thời gian qua việc tuyên truyền "không đến nơi đến chốn" nên người dân cho rằng sử dụng xăng E5 có thể gây ảnh hưởng đến động cơ xe, cháy nổ.
Vù vậy cơ quan chức năng thử nghiệm thực tiễn, từ đó có các số liệu, đưa ra kết luận để người tiêu dùng yên tâm tin tưởng. Sau đó cần tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên…
"Đặc biệt, chênh lệch giá giữa xăng E5 các loại và xăng A95 chưa nhiều, không có sự khác biệt lớn về giá từ đó cũng không hấp dẫn người tiêu dùng", ông Thịnh phân tích.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhận xét, qua sáu năm triển khai thực tế cho thấy doanh nghiệp đã đầu tư các nhà máy sản xuất, pha trộn xăng sinh học, và có sản phẩm xăng E5 tốt, tuy nhiên xăng E5 chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu. Đặc biệt, sắp tới chúng ta có chiến lược thay thế ô tô chạy xăng bằng ô tô điện. Đây là xu hướng thế giới.
Vì vậy, Nhà nước cần có nghiên cứu đánh giá toàn diện, nếu cần thiết thì giữ lại bởi chủ trương phát triển xăng sinh học là tốt. "Nếu chúng ta chứng minh chất lượng xăng E5 không ảnh hưởng đến động cơ máy móc, giúp giảm phát thải khí ra môi trường, tiết kiệm chi phí... thì nên có chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy sản phẩm này phục hồi", ông Thịnh nhấn mạnh.
Bên cạnh lợi ích về bảo vệ môi trưởng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc sử dụng xăng sinh học E5 còn mang lại nhiều lợi ích cho động cơ của xe. Ngoài ra, sử dụng xăng sinh học E5 góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, không bị lệ thuộc vào vấn đề nhập khẩu nhiên liệu, kiềm chế sự gia tăng giá dầu, ổn định tình hình năng lượng.