Sau ly hôn, tài sản tuy đã được phân chia, nhưng một bên vẫn cố tình không giao lại. Vậy phải làm gì để lấy lại tài sản đã được thống nhất chia cho mình?
Ông Nguyễn Đức Thọ ở TP.HCM hỏi: Sau ly hôn, tôi và vợ cũ tự thoả thuận phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Theo thoả thuận, mỗi người được nhận 1 xe ô tô. Tuy nhiên, vợ cũ của tôi không giao xe cho tôi, màvẫn lấy sử dụng. Tôi nhiều lần đề nghị gặp trực tiếp giải quyết vấn đề chiếc xe và những vấn đề khác liên quan đến tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ cũ của tôi không đồng ý gặp.
Tôi phải theo dõi, rồi một lần bắt gặp chiếc xe của tôi tại hầm Thủ Thiêm, đang được lưu thông hướng từ quận 1 đi TP Thủ Đức. Tôi đang chạy xe máy, bèn bẻ tay lái chạy vào làn xe hơi, chặn đầu xe để lấy lại xe của mình. Trên xe khi đó có vợ cũ của tôi và bạn trai của cô ấy. Tôi gọi vợ cũ của tôi xuống xe nói chuyện nhưng cô ấy không xuống, mà bạn trai cô ấy bất ngờ lao xuống xe cự cãi rồi lao vào đánh tôi gãy chân. Từ đó tôi lại phải theo đuổi dài ngày việc đề nghị khởi tố anh này vì hành hung tôi.
Luật sư cho tôi hỏi nếu tôi muốn giành lại chiếc xe của tôi, tôi phải làm gì mới đúng pháp luật và đạt được hiệu quả lấy lại tài sản tốt nhất, tránh những tổn thương và phiền phức như tôi đang gặp phải.
Đầu tiên, cần xác định thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của ông bà là đúng theo quy định của pháp luật hay chưa:
Theo khoản 2 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình: “Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật”.
Thỏa thuận chia tài sản chung chỉ có hiệu lực nếu thỏa thuận chia tài sản chung này không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình gồm:
“1. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
2. Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;
b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;
c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;
d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;
đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;
e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Do thỏa thuận phân chia tài sản có xe ô tô là tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản (nếu có) nên thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng phải được công chứng. Và để xác lập quyền sở hữu riêng đối với tài sản thì cần phải tiến hành đăng ký quyền sở hữu đứng tên một mình ông tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Lúc này, mới đảm bảo các cơ sở pháp lý để ông có thể thực hiện quyền đối với chủ sở hữu tài sản.
Trường hợp ông đáp ứng các điều kiện trên thì việc vợ cũ của ông không giao xe là hành vi đang chiếm giữ tài sản, sử dụng chiếc xe ô tô trái quy định pháp luật.
Tại khoản 2 Điều 164 của Bộ luật Dân sự quy định:
“2. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
Như vậy, để lấy lại tài sản là chiếc xe ô tô của ông một cách hợp pháp, ông có thể thực hiện một trong hai phương án sau:
Một là, khởi kiện tại Tòa án cấp có thẩm quyền để đòi lại chiếc xe ô tô theo Điều 164, 166 Bộ luật Dân sự.
Hai là, tố cáo tại cơ quan công an có thẩm quyền để Cơ quan Công an gửi thông báo yêu cầu vợ cũ của ông trả lại tài sản chiếm hữu trái phép. Trường hợp, vợ cũ của ông nhiều lần được Thông báo nhưng vẫn cố tình không trả lại xe và đủ các dấu hiệu cấu thành tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo Điều 176 Bộ luật Hình sự, thì có thể bị khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự.
AN BÌNH