GĐXH – Mướp đắng hay còn gọi khổ qua có vị đắng nhưng lại giúp thanh nhiệt, giải độc rất tốt. Với những ai sợ đắng mà vẫn muốn ăn loại quả này có thể tham khảo cách loại bỏ vị đắng sau.
Mướp đắng hay còn gọi là khổ qua có giá trị dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Đây là loại quả được coi là ‘siêu giải nhiệt’ ngày hè. Tuy nhiên, có những người lại không dám ăn vì mướp đắng có vị đắng.
Để loại bỏ vị đắng cho những ai ‘sợ đắng’ mà vẫn muốn thưởng thức hương vị tuyệt vời của quả này, bạn có thể tham khảo cách loại bỏ phần đắng nếu muốn bớt vị đắng của loại quả này. Đầu tiên, mướp đắng đem rửa sạch trước khi sơ chế để loại bỏ các tạp chất, bụi bẩn ở trên bề mặt. Sau đó, bạn cắt mướp đắng theo chiều dọc, cắt đôi mướp đắng để tiện cho việc xử lý tiếp theo. Dùng thìa inox để lấy hết phần hạt, ruột ở bên trong mướp đắng. Đây là một trong những nguồn gây đắng chính của mướp đắng mà cần làm sạch kỹ.
Khi đã hoàn thành lấy hết ruột từ các quả mướp đắng, bạn xử lý đến phần gân trắng – đây là bước quan trọng nhất. Bởi vị đắng của mướp đắng chủ yếu là từ ở phần đắng bên trong, mọi người vẫn thường gọi là ‘gân đắng’. Phần này nằm trên thành trong của mướp đắng có lớp màng mỏng màu trắng. Chúng ta dùng thìa hoặc là dao để nhẹ nhàng cạo đi phần này hoàn toàn.
Sau đi đã xử lý xong phần gân đắng, chúng ta có thể bắt đầu thái mướp đắng rồi chế biến. Nên thái mướp đắng theo hướng chéo góc 45 độ để tăng diện tích tiếp xúc của miếng mướp đắng và giúp cho vị đắng thoát ra trong quá trình nấu. Để giảm bớt vị đắng, bạn có thể cho vào bát, thêm ít muối để ướp khoảng 10 phút. Muối có tác dụng thẩm thấu, giúp cho mướp đắng tiết ra nước đắng. Sau đó, bạn rửa sạch sẽ giảm đáng kể vị đắng. Hoặc có thể bạn ngâm với nước và cho một ít vào cũng có thể giúp mướp đắng đỡ vị đắng gắt.
Cuối cùng, bạn có thể chế biến mướp đắng tùy theo sở thích. Dù ăn sống hay xào và chế biến cùng các nguyên liệu khác đều ngon và bổ dưỡng, thanh mát giúp thanh nhiệt ngày hè.
Nguyên liệu làm canh mướp đắng nấu tôm:
+ 3 quả mướp đắng
+ 250gr tôm
+ Giò sống
+ Hành lá, mùi, hành khô
+ Gia vị muối, mì chính, đường, hạt tiêu
Cách làm:
Đây là cách hướng dẫn làm canh mướp đắng nấu tôm của chị Nguyễn Thảo (Hà Nội). Theo đó, bước 1: Mướp đắng rửa sạch, cắt bỏ 2 đầu rồi dùng thìa nạo sạch phần ruột. Sau đó đem thái lát mỏng. Muốn giảm vị đắng của mướp đắng thì bạn đem ngâm trong nước muối loãng khoảng 20 phút rồi rửa lại, để ráo nước.
Tôm đem vóc bỏ, rút phần chỉ đen ở trên lưng rồi giã qua, không nên giã quá nhuyễn. Phần hành khô bóc vỏ, đập dập rồi thái nhỏ.
Bước 2: Tiến hành trộn tôm đã giã cùng với giò sống, cho thêm hạt tiêu, hành khô, muối vào trộn đều, để khoảng 10 phút cho ngấm gia vị.
Bước 3: Lấy 3 – 4 bát con nước đem đun sôi, sau cho từng thìa tôm đã trộn ướp ở trên vào nồi và tiếp tục đun to lửa để nước sôi. Bạn đun tới khi thịt tôm chín nổi lên trên mặt nước thì thả mướp đắng vào, nấu tiếp tục đến khi mướp đắng chín. Cuối cùng bạn nêm lại gia vị vừa miệng là được.
Với những ai thích ăn chay thì có thể làm món mướp đắng xào đậu phụ vừa mát và dễ làm.
Nguyên liệu
+ 2 quả mướp đắng
+ 2 bìa đậu phụ
+ Gia vị mì chính, muối, dầu ăn…
Cách làm:
Bước 1: Trước khi bắt đầu, hãy rửa sạch mướp đắng và bỏ đi phần ruột và ‘gân đắng’ để loại bỏ đắng. Sau đó bạn thái lát mỏng mướp đắng. Đậu phụ cũng cần được cắt thành những miếng nhỏ và rán vàng.
Bước 2: Cho dầu vào chảo, đun nóng rồi cho mướp đắng vào xào đến khi chín. Tiếp đó cho đậu phụ và gia vị vừa phải vào xào cho ngấm gia vị. Khi mướp đắng vừa chín tới, bạn nêm lại gia vị vừa miệng là có được món ăn chay thanh mát ngày hè.