Cách tính thời hạn tạm giam trong trường hợp bị can đã bị tạm giữ

04/10/2024 10:00

Sau đây là cách tính thời hạn tạm giam trong trường hợp bị can đã bị tạm giữ được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP.

Cách tính thời hạn tạm giam trong trường hợp bị can đã bị tạm giữ

Cách tính thời hạn tạm giam trong trường hợp bị can đã bị tạm giữ (Hình từ Internet)

1. Cách tính thời hạn tạm giam trong trường hợp bị can đã bị tạm giữ 

Theo khoản 1 Điều 17 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP quy định về thời hạn tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam để điều tra. Nếu việc tạm giam liên tục với việc tạm giữ thì thời hạn tạm giam được tính tiếp từ ngày hết thời hạn tạm giữ. Nếu việc tạm giam không liên tục với việc tạm giữ thì thời hạn tạm giam được tính kể từ ngày bắt bị can để tạm giam cho đến ngày kết thúc được ghi trong lệnh (đã trừ đi số ngày bị tạm giữ). 

Thời điểm cuối cùng của thời hạn tạm giam là 24 giờ 00 phút của ngày cuối cùng được ghi trong lệnh. Khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam phải căn cứ vào thời hạn thực tế được ghi trong quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam, lệnh bắt bị can để tạm giam và tính liên tục cả ngày nghỉ (thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày tết), 01 tháng tạm giam được tính bằng 30 ngày.

2. Cách ghi thời hạn trong lệnh tạm giam, lệnh bắt bị can để tạm giam

Theo khoản 1 Điều 17 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP thì cách ghi thời hạn trong lệnh tạm giam, lệnh bắt bị can để tạm giam trong trường hợp trước đó bị can đã bị tạm giữ được thực hiện như sau: thời hạn tạm giam được tính theo ngày, bắt đầu kể từ ngày cuối cùng của thời hạn tạm giữ hoặc ngày bắt bị can để tạm giam và kết thúc vào ngày cuối cùng của thời hạn tạm giam (sau khi đã trừ đi số ngày tạm giữ).

Ví dụ 1: Nguyễn Văn A bị tạm giữ 03 ngày, từ 10 giờ 00 phút ngày 01/3/2018 đến 10 giờ 00 phút ngày 04/3/2018, sau đó A bị khởi tố bị can và bị ra lệnh tạm giam 02 tháng, thì thời hạn tạm giam thực tế đối với bị can là 01 tháng 27 ngày (đã trừ 03 ngày tạm giữ). Do đó, thời hạn trong lệnh tạm giam, quyết định phê chuẩn lệnh tạm giam ghi là: tạm giam trong thời hạn 01 tháng 27 ngày, kể từ ngày 04/3/2018 đến hết ngày 29/4/2018 đối với bị can Nguyễn Văn A.

Ví dụ 2: Trần Thị B bị tạm giữ 06 ngày, từ 14 giờ 00 phút ngày 05/3/2018 đến 14 giờ 00 phút ngày 11/3/2018 thì được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Đến ngày 11/4/2018 bị can B bị bắt để tạm giam thời hạn là 02 tháng, thì thời hạn tạm giam đối với bị can B là 01 tháng 24 ngày (đã trừ 06 ngày tạm giữ). Do đó, thời hạn trong lệnh bắt bị can để tạm giam, quyết định phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam ghi là: tạm giam trong thời hạn 01 tháng 24 ngày, kể từ ngày 11/4/2018 đến hết ngày 03/6/2018 đối với bị can Trần Thị B.

3. Quy định về phê chuẩn lệnh tạm giam trong trường hợp người đang bị tạm giữ bị khởi tố bị can

Quy định về phê chuẩn lệnh tạm giam trong trường hợp người đang bị tạm giữ bị khởi tố bị can theo Điều 16 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP như sau:

- Trường hợp khởi tố bị can đối với người đang bị tạm giữ thì chậm nhất 24 giờ trước khi hết thời hạn tạm giữ hoặc gia hạn tạm giữ, Cơ quan điều tra phải chuyển hồ sơ đề nghị phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Khi hồ sơ đã chuyển cho Viện kiểm sát để xét phê chuẩn, nếu có chứng cứ, tài liệu bổ sung thì Cơ quan điều tra phải chuyển ngay cho Viện kiểm sát. Việc xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can được tiến hành cùng với việc xét phê chuẩn lệnh tạm giam bị can.

Trường hợp chưa hết thời hạn tạm giữ, Cơ quan điều tra đề nghị phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam, nếu chưa đủ căn cứ khởi tố, tạm giam bị can nhưng có căn cứ gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định gia hạn tạm giữ và gửi ngay cho Viện kiểm sát phê chuẩn. Trong thời hạn gia hạn tạm giữ, Cơ quan điều tra phải khẩn trương thu thập, củng cố chứng cứ, tài liệu và chuyển ngay cho Viện kiểm sát để xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam.

- Trường hợp Viện kiểm sát không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam thì ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can, quyết định không phê chuẩn lệnh tạm giam và yêu cầu Cơ quan điều tra trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát ra quyết định trả tự do cho người bị tạm giữ.

- Trường hợp xét thấy việc khởi tố bị can có căn cứ, nhưng không cần thiết phải tạm giam bị can thì Viện kiểm sát ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định không phê chuẩn lệnh tạm giam; nếu thấy cần thiết thì yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn khác đối với bị can.

- Hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP gồm:

+ Văn bản đề nghị xét phê chuẩn nêu rõ lý do, kèm theo hồ sơ liên quan đến việc tạm giam; lệnh tạm giam bị can;

+ Hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP.

Theo thuvienphapluat.vn
https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/tu-van-phap-luat/72562/cach-tinh-thoi-han-tam-giam-trong-truong-hop-bi-can-da-bi-tam-giu
Copy Link
https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/tu-van-phap-luat/72562/cach-tinh-thoi-han-tam-giam-trong-truong-hop-bi-can-da-bi-tam-giu
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cách tính thời hạn tạm giam trong trường hợp bị can đã bị tạm giữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO