Thời điểm này, trên những đồi cam chín mọng, người dân xã Thọ Điền đang tất bật tuyển chọn để “cho ra lò” những quả cam đẹp nhất đến tay khách hàng. Toàn xã hiện có 530 hecta trồng cam, trong đó có 330 hecta trồng cam bù. Tập trung nhiều tại các thôn như thôn 1, thôn 3, thôn 4, thôn 7…
Mùa thu hoạch cam bù thường bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài đến qua Tết nguyên đán. Giống cam này trồng ít nhất mất 4 năm mới cho quả, chiều cao khoảng 2m, cho chừng 100 quả, có cây gần 200 quả.
Cam bù Hương Sơn quả to, có màu sắc đẹp và tươi lâu nên được nhiều gia đình mua về bày biện trang trọng trên bàn thờ gia tiên vào dịp lễ Tết. Đặc biệt, trong những năm gần đây cam bù còn được khách tiêu dùng nhiều nơi ưa thích tìm đến tận nơi để đặt hàng.
Anh Mai Tiến Dương (ở xã Thọ Điền, Vũ Quang) cho biết, năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi cùng với việc chăm sóc cẩn thận nên vườn cam của gia đình tôi cho năng suất cao, khoảng 24 tấn và cây nào quả cũng đạt chất lượng tốt.
"Cam nay bắt đầu chín rộ, khoảng vài ngày nữa thu hoạch là hợp lý nhất. Cách đây gần 1 tháng đã có nhiều thương lái đến đặt cọc cam trước. Năm nay dù ảnh hưởng của dịch nhưng giá cam vẫn ổn định như những năm trước, khoàng 35.000 - 40.000/kg", anh Dương cho hay.
Vườn cam nhà anh Nguyễn Xuân Quỳnh (SN 1982, ở thôn 6) có hơn 100 gốc cam bù. Có nhiều cây có tuổi thọ gần 10 năm. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Bình quân mỗi năm, cam bù đưa lại thu nhập cho gia đình anh khoảng 80 triệu đồng.
Dịp tết năm nay, gia đình có thể thu hoạch khoảng hơn 25 tấn cam bù. Thời điểm này, tiểu thương trong tỉnh đã đến thu mua với giá 30.000 - 35.000/kg. Ngoài bán cho các đầu mối trong tỉnh, gia đình còn tiêu thụ ở một số thị trường lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...", anh Quỳnh nói.
Quả cam bù ở Vũ Quang chín đỏ, căng mọng trông đẹp mắt khiến nhiều người ưa chuộng.
Để quả cam bù còn tươi nguyên cuống và lá, khi thu hoạch người dân nơi đây phải hết sức cẩn trọng, 1 tay đỡ nhẹ nhàng phía dưới quả, tay kia cầm kéo cắt tỉa cẩn thận.
Mỗi cây có tuổi đời từ 10-15 năm. Sau cam sản lượng thấp sẽ chặt bỏ và trồng cây mới. Người dân trồng cam chia sẻ, sau khi thu hoạch cam sẽ bón phân, loại phân ở đây chủ yếu bằng phân bò, phân trâu ủ hoai. Đặc biệt phải kiểm tra chăm sóc để tránh sâu bọ đục quả.
Một số khách hàng tìm đến những đồi cam bạt ngàn vừa để “check-in” những khoảnh khắc đẹp, vừa chọn những quả cam chín mọng mang về làm quà.
Về Vũ Quang trong những ngày giáp Tết, không khí thu bán cam rộn ràng hơn bao giờ hết. Thương lái, du khách không chỉ có trong tỉnh mà ngoại tỉnh cũng đã tìm về tận vườn để lựa chon những quả cam đẹp, ngon về sắp mâm ngũ quả, làm quà biếu cho người thân và mang đi tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đăng Nhàn - Chủ tịch UBND xã Thọ Điền cho biết: "Hiện nay khoảng 95% hộ dân toàn xã trồng cam bù, vì loại cam này có giá trị thu nhập cao. Vụ thu hoạch cam bù đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên rất dễ bán. Năm nay mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nhưng cam vẫn bán được giá, thị trường ổn định nên người dân rất phấn khởi".
Cây cam bù giờ đã trở thành cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế hàng đầu trên đất Vũ Quang, gấp 10-20 lần các cây trồng khác như chanh, quýt, mía… Đặc biệt, trong ngày tết cam bù là quả phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng làm quà biếu anh em, bạn bè gần xa; là thứ quả không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên.
Theo Nguyễn Sơn/Giadinh.net.vn
Nguồn: https://giadinh.net.vn/cam-dac-san-ha-tinh-chin-do-ruc-cho-tet-172220116150624684.htm