Ủng hộ hướng quy định cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn, song đại biểu Lý Thị Lan đề nghị rà soát, cân nhắc mức xử phạt, hình thức xử phạt cho phù hợp và phải có lộ trình từng bước theo thời gian, để tạo thành ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV là tham gia đóng góp vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7 tới, trong đó có quy định về nồng độ cồn.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
Tiếp đó, ngày 15/3/2024, tại Phiên họp thứ 31 (tháng 3/2024), UBTVQH đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Thực hiện kết luận của UBTVQH, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và an ninh đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật; hoàn thiện dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo đó, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 88 điều, số chương giữ nguyên và tăng 07 điều do bổ sung 04 điều mới; gộp 04 điều thành 02 điều; tách nội dung của một số điều thành 05 điều khác.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Lý Thị Lan - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cơ bản nhất trí với nội dung trình tại Hội nghị; đồng thời cho rằng, Ban soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến của đại biểu tham gia tại kỳ họp thứ 6 để chỉnh sửa. Tuy nhiên, đại biểu Lý Thị Lan đóng góp thêm một số ý kiến vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ như sau:
Thứ nhất, về quy tắc chung (Điều 10):Trong thực tế hiện nay có nhiều người mặc dù đã trên 10 tuổi nhưng cơ thể rất nhỏ (có thể do bị hội chứng lùn, rối loạn di truyền ở người nên chiều cao không quá 1m32), do đó, cần thiết phải quy định đối tượng này cũng không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe để đảm bảo an toàn và trách các tai nạn rủi ro.
Đề nghị nghiên cứu xem xét bổ sung thêm đối tượng này ngoài đối tượng là trẻ em dưới 10 tuổi, trẻ em có chiều cao dưới 1.35m.
Do đó, có thể sửa lại khoản 3 Điều 10 từ: “Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô mà không có người lớn ngồi cùng…” thành “Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và người có chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô mà không có người lớn ngồi cùng…”
Thứ hai, người lái xe, người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy (Điều 33): Khoản 3. Người lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:
đ) “Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang, vác và chở vật cồng kềnh; chở người đứng trên xe, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe quá giới hạn quy định;”
Đại biểu Lý Thị Lan đề nghị bổ sung thêm hành vi: “chở người ngồi phía trước người điều khiển, trừ trường hợp chở trẻ em dưới 06 tuổi” đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 3, điều 10 Quy tắc chung vừa đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Vì thực tế hiện nay, nhiều trường hợp người điều khiển xe mô tô, nhất là đối với thanh thiếu niên hay xuất hiện tình trạng chở thêm 01 người ngồi phía trước người điều khiển, điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đánh lái phương tiện, tầm quan sát, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao.
Thứ ba, về Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 35):Tại Khoản 6 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định phạm vi hoạt động của xe thô sơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ tại địa phương ”.
Đại biểu Lý Thị Lan đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm từ “thời gian” cho đầy đủ và đảm bảo cho địa phương ban hành văn bản, cụ thể sửa lại như sau: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thời gian, phạm vi hoạt động của xe thô sơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ tại địa phương”.
Thứ tư, về cấp, đổi, cấp lại và thu hồi giấy phép lái xe (Điều 61): Điểm a khoản 4 Điều 61 quy định: “3. Giấy phép lái xe thu hồi thuộc một trong các trường hợp sau: a) Người được cấp giấy phép lái xe không đủ điều kiện sức khỏe theo kết luận của cơ quan y tế đối với từng hạng giấy phép lái xe”.
Đại biểu Lý Thị Lan đề nghị xem xét, điều chỉnh lại nội dung này cho phù hợp với điều kiện thực tiễn vì đối với trường hợp tại thời điểm kiểm tra sức khoẻ, người được kiểm tra không đủ điều kiện, nhưng một khoảng thời gian nhất định lại đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định thì rất khó khăn đối với việc xác minh, thu hồi giấy phép lái xe tại thời điểm không đảm bảo sức khỏe.
Ngoài ra, một trong những nội dung hiện còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đó là cấm tuyệt đối lái xe nồng độ cồn hay quy định mức nồng độ cồn nào đó mới chịu phạt.
Ủng hộ hướng quy định cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn, song đại biểu Lý Thị Lan đề nghị rà soát, cân nhắc mức xử phạt, hình thức xử phạt cho phù hợp và phải có lộ trình từng bước theo thời gian, để tạo thành ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông.
Cơ quan chức năng tránh lạm dụng quy định để xử phạt, kiểm tra, gây sự phản cảm của người dân với lực lượng chức năng.