Căn bệnh khiến thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký phải 'chiến đấu' nhiều năm nguy hiểm như thế nào?

28/09/2022 18:18

PLBĐ - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - người thầy đầu tiên viết chữ bằng chân vừa qua đời sau một thời gian chiến đấu với bệnh suy thận.

Sáng 29/8, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải thông tin nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký (SN 1947, quê ở xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) qua đời sau thời gian chiến đấu với bệnh suy thận. Được biết, trong những năm tháng cuối đời, ông đã phải chống chọi kiên trì với bệnh suy thận, tuần 3 lần phải chạy thận nhân tạo.

Căn bệnh khiến thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký qua đời nguy hiểm như thế nào?  - Ảnh 1.

Thầy giáo viết chữ bằng chân Nguyễn Ngọc Ký.

Bệnh suy thận nguy hiểm như thế nào?

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với các bệnh lý về thận và mỗi năm với 5 - 10 triệu người trên toàn thế giới tử vong vì căn bệnh này. Đáng lưu ý, tỷ lệ này ngày càng gia tăng, ước tính đến năm 2030, có đến 5,2 triệu người mắc bệnh thận và cần được chạy thận nhân tạo.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8.000 ca mắc mới mỗi năm.

Suy thận là bệnh lý xảy ra khi thận bị suy giảm chức năng. Điều này dẫn đến chất thải trong máu không thể lọc ra ngoài và tích tụ lại. Suy thận sẽ chia thành 2 loại, đó là:

Suy thận mạn tính: Quá trình suy giảm chức năng của thận sẽ diễn ra trong một thời gian dài và khó có thể điều trị dứt điểm được. Người bệnh cần phải biết được dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu để kịp thời ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Suy thận cấp tính: Chức năng của thận bị suy giảm nghiêm trọng khá nhanh, chỉ trong vòng vài ngày. Cần phải điều trị gấp với các phương pháp tùy theo từng tình trạng bệnh, trong đó có chạy thận nhân tạo.

Một số người dễ tiến triển bệnh thận dẫn đến suy thận là người có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, bệnh di truyền như thận đa nang, hội chứng Alport; nhiễm khuẩn, nghẽn tắc hay bệnh bẩm sinh đường tiết niệu; bệnh Lupus ban đỏ hệ thống; bệnh phì đại và ung thư tuyến tiền liệt; dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) dài hạn như ibuprofen, ketoprofen và một số thuốc kháng sinh.

Bên cạnh đó, những người có thói quen ăn mặn, ăn nhiều mì chính, lối sống thiếu khoa học, hay ngồi nhiều, hay nhịn tiểu… cũng gia tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thận. Nếu không điều chỉnh, bệnh sẽ có nguy cơ tiến triển nhanh gây suy thận.

Nếu như không được phát hiện và điều trị sớm, suy thận có thể gây ra những biến chứng như: thiếu máu, tăng nguy cơ mắc bệnh lý như tim mạch và xương khớp, cao huyết áp, suy giảm hệ miễn dịch,... Đối với những người đang mang thai, suy thận có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nguy hiểm đến mẹ và em bé.

Những dấu hiệu cảnh báo suy thận

Việc phát hiện ra bệnh sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc điều trị cũng như hồi phục. Dưới đây là những dấu hiệu suy thận thường gặp:

Phù:Thận không khỏe sẽ không loại bỏ được chất lỏng dư thừa, do vậy chất lỏng tích tụ trong cơ thể khiến bạn bị phù ở một số bộ phận như chân, cổ chân, bàn chân, mặt...

Nước tiểu có màu, mùi bất thường: Chức năng của thận sẽ ảnh rất lớn đến tình trạng tiểu tiện. Nếu đi tiểu nhiều hoặc ít hơn so với bình thường, nước tiểu có màu, mùi bất thường hoặc lẫn máu thì bạn chú ý vì rất có thể sức khỏe thận đang gặp vấn đề. 

Ngáy to và kéo dài: Đối với người bệnh khi bị suy thận mạn tính sẽ rất hay bị ngưng thở khi ngủ. Đây là một dạng rối loạn giấc ngủ gây ra hiện tượng tạm ngưng thở một hoặc nhiều lần trong một đêm. Tuy thời gian hơi thở bị dừng chỉ kéo dài trong khoảng vài giây cho đến 1 phút, nhưng sau đó, người bệnh sẽ ngáy rất to và kéo dài.

Mệt mỏi: Phần lớn người bị suy thận mạn tính đều gặp phải tình trạng thiếu máu. Điều này dẫn đến chức năng hoạt động của thận bị suy giảm chỉ còn từ 20% đến 50% hiệu suất so với người bình thường. Nếu như, bạn vẫn nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc nhưng cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, uể oải thì đây có thể là dấu hiệu của suy thận.

Ngứa: Thận có chức năng loại bỏ các chất cặn bã ra khỏi máu. Khi thận bị suy, sự tích tụ của các chất thải này trong máu có thể gây ngứa ở da.

Đau lưng: Khi xuất hiện những cơn đau lưng lan dần ra phía trước vùng hông hoặc chậu, đây có thể là dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu mà bạn cần lưu ý.

Khó thở: Suy thận khiến cho người bệnh không thể lọc được chất thải trong máu ra ngoài và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hồng cầu. Điều này là nguyên nhân làm cơ thể bị ứ dịch và gây suy giảm chức năng của phổi. Thêm vào đó, lượng hồng cầu giảm dẫn đến quá tình vận chuyển oxy sẽ gặp khó khăn.

Hôi miệng: Khi chất thải không thể lọc ra khỏi cơ thể và tích trữ lại quá nhiều ở trong máu sẽ gây ra hôi miệng. Bên cạnh đó, người bệnh còn cảm thấy trong miệng như có vị của kim loại.

Cách phòng ngừa hiệu quả bệnh suy thận

Những biến chứng của suy thận vô cùng nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Chính vì vậy, việc phòng ngừa bệnh là điều vô cùng cần thiết. Dưới đây là những cách có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc phải suy thận:

Thận trọng khi dùng thuốc không kê đơn: Bởi dùng liều quá cao (ngay cả những loại thuốc thông thường như aspirin, ibuprofen và naproxen) cũng có thể tạo ra lượng độc tố cao trong một khoảng thời gian ngắn, khiến cho thận bị quá tải.

Duy trì cân nặng hợp lý: Tình trạng béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh có liên quan đến bệnh thận, chẳng hạn như tiểu đường và huyết áp cao.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Bao gồm ăn ít đường và cholesterol, giàu chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả.

Giảm lượng muối nạp vào: Ăn quá nhiều muối làm tăng huyết áp, dễ dẫn đến tình trạng suy thận.

Uống đủ nước: Mất nước khiến giảm lưu lượng máu đến thận, có thể làm hỏng thận. Do đó, uống đủ nước là một trong những thói quen tốt cho cho thận luôn được bác sĩ khuyến khích thực hiện.

Hạn chế rượu bia: Rượu làm tăng huyết áp. Đồng thời lượng calo dư thừa cũng có thể khiến bạn tăng cân.

Không hút thuốc: Hút thuốc làm giảm lưu lượng máu đến thận, ảnh hưởng đến chức năng thận ở những người có hoặc không có bệnh thận.

Giảm căng thẳng: Căng thẳng và lo lắng có thể làm tăng huyết áp, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của thận.

Tập thể dục thường xuyên: Các môn thể thao có thể giúp giảm căng thẳng, kiểm soát bệnh tiểu đường và huyết áp cao, đồng thời duy trì cân nặng hợp lý. Người bệnh nên chọn môn thể thao phù hợp với sức khỏe của mình như bơi lội, đi bộ và chạy…

Khám sức khỏe định kỳ: Đến thăm khám bác sĩ định kỳ 6 tháng/lần hoặc ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu thận bị suy giảm chức năng để có phương pháp điều trị kịp thời.

Thanh Hải (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Căn bệnh khiến thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký phải 'chiến đấu' nhiều năm nguy hiểm như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO