Cần làm gì khi trẻ bị sốt xuất huyết kèm co giật?

19/10/2022 13:57

Trẻ mắc sốt xuất huyết kèm co giật phải xử trí ra sao? Dưới đây là những thông tin giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Trẻ mắc sốt xuất huyết cần theo dõi thường xuyên

Khi trẻ mắc sốt xuất huyết, việc vô cùng quan trọng là cha mẹ cần phải theo dõi kĩ nhiệt độ trước và sau khi cho con uống thuốc hạ sốt . Việc sử dụng thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng chỉ định sẽ có hiệu quả và kiểm soát tốt diễn tiến của bệnh.

Với trẻ có tiền sử sốt cao hay co giật, việc theo dõi này cần thường xuyên hơn, vì khi trẻ bị sốt thì khả năng co giật cũng có thể xảy ra. Bởi sốt xuất huyết cũng có biểu hiện sốt rất giống với những bệnh có sốt khác.

Cha mẹ cần ghi nhớ tuân thủ chỉ định khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Theo khuyến cáo cứ 4 đến 6 tiếng, nếu trẻ sốt có thể sử dụng nhóm thuốc Paracetamol . Tuyệt đối không cho trẻ uống sớm hơn, bởi nếu thấy trẻ sốt và lo sợ co giật, chưa đủ 4 đến 6 tiếng đã cho uống thuốc hạ sốt sẽ làm tăng nguy cơ gây ngộ độc cho gan. Bởi vậy, khoảng cách thời gian dùng thuốc hạ sốt phải tuân thủ đúng theo chỉ định, liều lượng từ 10 đến 15ml/1kg/lần.

Cha mẹ cũng không nên quá lo lắng, ngoài uống thuốc để hạ sốt cần cho trẻ uống bổ sung nước điện giải và các loại nước trái cây khác. Nếu nghi ngờ hoặc lo trẻ sốt co giật , hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi bởi các y bác sĩ.

Trẻ có nên uống các loại nước lá khi bị sốt xuất huyết?

Nhiều cha mẹ thường theo mách bảo cho trẻ uống các loại nước lá, với quan điểm sẽ chữa khỏi sốt xuất huyết, điều này cũng chưa hẳn đúng. Việc cho trẻ uống các loại nước lá như: Lá tre, lá nhọ nồi, lá diếp cá… cũng chỉ có tác dụng cung cấp nước cho trẻ mà thôi.

Việc này phù hợp với khuyến cáo của các nhà chuyên môn. Khi bị sốt xuất huyết cần phải được cung cấp nước đầy đủ, điều này sẽ làm giảm nguy cơ nhập viện. Các nghiên cứu cho thấy, khi mắc sốt xuất huyết nếu trẻ được bù nước đúng, sẽ giảm nguy cơ nhập viện hơn so với những trẻ không được bù nước đầy đủ.

Trong trường hợp trẻ không muốn uống các loại nước lá hoặc các gia đình không ở vùng có các loại lá trên, tốt nhất không phải kiếm tìm mua để cho trẻ uống. Thay vào đó có thể cho trẻ uống nước lọc, nước trái cây, nước bù điện giải và các loại nước từ thức ăn như canh, nước rau luộc...

Việc bù nước cho trẻ trong giai đoạn sốt xuất huyết nói riêng và sốt thông thường nói chung là vô cùng quan trọng. Bù nước đủ cho trẻ là khi trẻ đi tiểu tiện nước tiểu của trẻ có màu vàng trong (tức là màu trắng trong hoặc là màu vàng nhạt) còn những trẻ sau 6 tiếng vẫn chưa đi tiểu hoặc nước tiểu có màu vàng sậm, thì đó là những trẻ bị thiếu nước.

Cần làm gì khi trẻ bị sốt xuất huyết kèm co giật? - Ảnh 3.

Khi trẻ bị sốt xuất huyết cần phải được cung cấp nước đầy đủ. Ảnh minh hoạ.

Lời khuyên bác sĩ

Theo dự báo của các nhà chuyên môn, trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn ở mức cao, do đang là cao điểm mùa dịch. Trong khi đó phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại cơ sở y tế.

Nếu nghi ngờ trẻ mắc sốt xuất huyết, cha mẹ cần theo dõi sát sao, khi trẻ sốt cao cần uống thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ sốt được dùng là Paracetamol đơn chất, liều dùng tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ bệnh. Tuyệt đối không dùng Aspirin, Analgin, Ibuprofen để điều trị, vì có thể gây xuất huyết .

Trong quá trình chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết, nếu nhận thấy các biểu hiện như: Trẻ vật vã, lừ đừ, đau bụng ngày càng nặng, xuất huyết dưới da nhưng tứ chi lạnh. Trẻ nôn ói liên tục, xuất huyết tiêu hóa đột ngột… cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời thăm khám và chẩn đoán. Nếu tình trạng nặng, trẻ cần nhập viện ngay để được điều trị kịp thời.

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có vaccine phòng bệnh xuất huyết, chính vì thế, các bậc phụ huynh cần chủ động trong việc phòng bệnh bằng các biện pháp: Diệt lăng quăng (bọ gậy), muỗi, tránh bị muỗi đốt, vệ sinh môi trường sống... để giúp phòng chống bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong tuần qua có thêm 1.034 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 6.779 mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 trường hợp tử vong.

Ngoài ra, trong tuần qua cũng ghi nhận thêm 48 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 19 quận, huyện… Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn ở mức cao, do đang là cao điểm mùa dịch diễn ra từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm.

BS. Trần Văn Nam


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần làm gì khi trẻ bị sốt xuất huyết kèm co giật?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO