PLBĐ - Tại tuyến đường Lê Văn Lương (Hà Nội) có nhiều công trình được tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng bừa bãi khiến nhiều người đặt câu hỏi có hay không lợi ích nhóm, tham nhũng trong các lần điều chỉnh quy hoạch.
Nhiều sai phạm trong quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Văn Lương
Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành kết luận thanh tra (KLTT) số 39/KL-TTr thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội; loạt các chủ đầu tư dự án có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Với kết luận vừa được ban hành, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai sót, tồn tại trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch tại một loạt dự án dọc các tuyến đường này.
Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, năm 1998, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (Quyết định số 108). Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội (Quyết định số 1259). Đối với hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, thực hiện cụ thể hóa quy hoạch chung, UBND TP. Hà Nội đã lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5.000, 1/2.000, 1/500 từ những năm 1999; các quy hoạch phân khu đô thị từ năm 2013-2015 làm cơ sở để lập thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị điều chỉnh quy hoạch sai quy định, nhồi cao ốc tăng gấp 6 lần. Quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng: Chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn (có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán), có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng.
"Việc điều chỉnh sai quy định dẫn đến tình trạng tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (QCXDVN) đối với từng dự án, từng ô quy hoạch, từng khu quy hoạch và đô thị, thiếu đất giáo dục, trường học, thiếu diện tích cây xanh, các công trình phục vụ không đảm bảo bán kính phục vụ", Thanh tra Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Với quy hoạch chi tiết hai bên đường Lê Văn Lương, trong số 13 dự án nhà chung cư được thanh tra có 12 dự án không bố trí cây xanh, một dự án chỉ đạt 10%. Đáng chú ý là quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên đường Lê Văn Lương phê duyệt năm 2016 không tuân thủ quy định tại Điều 3 Quyết định số 130/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau khi di dời, các cơ quan không ưu tiên xây dựng công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị mà đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp.
Để tránh xảy ra những lỗi tương tự, thời gian tới, Thanh tra Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra các vi phạm.
Có hay không lợi ích nhóm trong các lần điều chỉnh quy hoạch?
Trao đổi với báo Thanh Niên, một số chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng đánh giá KLTT số 39 cơ bản đã làm sáng tỏ được nguyên nhân khiến tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu thành "đường đau khổ" khi oằn mình cõng hàng chục tòa nhà cao tầng cũng như sự yếu kém trong quản lý quy hoạch của TP. Hà Nội qua nhiều thế hệ lãnh đạo. Dư luận đã bức xúc nhiều năm trước tình trạng này nhưng vì sao năm 2020, Bộ Xây dựng mới có đoàn thanh tra? Trong KLTT chưa nêu rõ nhưng cơ quan công an cần đặt nghi vấn có hay không lợi ích nhóm, tham nhũng trong các lần điều chỉnh quy hoạch để làm rõ. Nhất là giai đoạn sau năm 2008, thời các ông Nguyễn Thế Thảo, Nguyễn Đức Chung làm Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Vì trong giai đoạn này, nhiều công trình được điều chỉnh một cách mạnh tay.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (tiến sĩ Luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) cũng bày tỏ sự lo lắng quy hoạch toàn thành phố sẽ bị phá vỡ nếu không kịp thời thay đổi, kiểm soát chặt chẽ tình trạng này. "Quy hoạch xây dựng có tác động rất lớn đến dân sinh nên cơ chế kiểm soát phải thật chặt chẽ", Zing.vn dẫn lời ông Long.
Theo ông Long, điểm mấu chốt trong vụ việc trên tuyến đường Lê Văn Lương là việc các cơ quan có thẩm quyền tự ý điều chỉnh quy hoạch. "Đây là biểu hiện của sự đặc quyền. Từ đặc quyền dẫn tới phá vỡ mọi nguyên tắc, quy hoạch. Và đằng sau sự đặc quyền, ban phát chính sách thì có lợi ích hay không?", Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề. Theo ông, đây cũng là bài học kinh nghiệm cho việc quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch ở những tuyến phố khác.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh việc chuyển hồ sơ vụ việc này sang cơ quan điều tra là rất cần thiết, nhằm làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan, kể cả ở giai đoạn những nhiệm kỳ trước. Cùng với đó, cần làm rõ có tiêu cực, lợi ích trong điều chỉnh quy hoạch hay không, để căn cứ vào đó xử lý trách nhiệm những người liên quan.
T.H (th)