Cảnh báo các sản phẩm của Công ty Amano Nhật Bản quảng cáo sai sự thật

Quỳnh Mai 23/03/2022 11:26

PLBĐ - Việc quảng cáo sai sự thật, sử dụng hình ảnh của chuyên gia y tế và chia sẻ của bệnh nhân để quảng cáo cho bốn sản phẩm Uninstall Calcium, Amano Enzyme gold, Insotac Gold và Insotac Fast là hành vi vi phạm pháp luật.

Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã phát đi nhiều cảnh báo và lưu ý rằng, Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận vẫn còn nhiều sản phẩm là TPBVSK nhưng lại được quảng cáo "thổi phồng" công dụng, quảng cáo như thuốc chữa bệnh hay sử dụng hình ảnh thư tín của bệnh nhân, chuyên gia y tế để quảng cáo... Trong đó có các sản phẩm do Công ty Cổ phần Dược phẩm Amano Nhật Bản (Công ty Amano Nhật Bản - số 31, ngõ 81, phố Đức Giang, phường Đức Giang, quận Long Biên, TP. Hà Nội) chịu trách nhiệm về sản phẩm và phân phối.

Cảnh báo về bốn sản phẩm của Công ty Amano Nhật Bản - Ảnh 1.

Amano Enzyme gold vi phạm về quảng cáo khi liệt kê những công dụng của thành phần có trong sản phẩm.

Cụ thể, những sản phẩm quảng cáo sai phép này bao gồm TPBVSK Unical Calcium, Amano Enzyme gold, Insotac Gold và Insotac Fast. Bốn sản phẩm này được quảng cáo trên các website amanoenzym.com, insotac.com, unicalkidscalcium.com và taobon.vn. Trong đó website amanoenzym.com và taobon.vn là hai trang web chính thức của Công ty Amano Nhật Bản, được đóng dấu "Đã thông báo Bộ Công Thương".

Trên website amanoenzym.com, sản phẩm Amano Enzyme gold được quảng cáo bằng cách liệt kê công dụng của các thành phần có trong sản phẩm, sau đó thổi phồng công dụng của các thành phần này bao gồm: Biodiastase – 2000; Lipase AP12; Enzyme Lipase; Lactase DS100-K; Immunecanmix; Men Vi Sinh Bào Tử; DHA, Taurin, L-Lysin, Kẽm, Calci, các Vitamin B1, B2, B5, B6, B9, D3...

Các thành phần nói trên được quảng cáo có công dụng giúp trẻ tiêu hóa thức ăn và hấp thu tốt các chất dinh dưỡng; Thủy phân chất béo, dầu, mỡ động vật và thực vật; Giúp trẻ tiêu hóa và hấp thu tốt từ thức ăn; Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và năng lượng; Cung cấp năng lượng cho hoạt động cơ thể luôn năng động và khỏe mạnh; Giải quyết các triệu chứng rối loạn tiêu hóa do lactose không được chuyển hóa; Tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng; Cân bằng hệ men vi sinh đường ruột cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh; Giúp ăn ngon miệng, tự phòng chống các bệnh tiêu hoá…

Cảnh báo về bốn sản phẩm của Công ty Amano Nhật Bản - Ảnh 2.

Sản phẩm Insotac Gold, Insotac Fast quảng cáo sai phép.

Sản phẩm Insotac Gold, Insotac Fast được quảng cáo trên website amanoenzym.com, insotac.com và taobon.vn. Hai sản phẩm này cũng được quảng cáo bằng cách thổi phồng công dụng và liệt kê công dụng của một loạt các thành phần có trong sản phẩm.

Website amanoenzym.com và taobon.vn khẳng định Insotac Gold, Insotac Fast giúp: "Hỗ trợ điều trị tận gốc và phòng chống các trường hợp bị táo bón; Phòng chống tình trạng phải rặn quá mức khi đi đại tiêu; Đi đại tiêu bị mót rặn không hết hay từng ít một. Giúp cho quá trình thông đại tiện một cách sinh lý và tự nhiên; Giúp hỗ trợ điều trị các chứng táo bón ở người bị trĩ cấp và mãn tính, đại tràng cấp và mãn tính; Bổ sung lợi khuẩn dưới dạng bào tử và các chất xơ thiên nhiên hòa tan giúp tái lập cân bằng hệ vi sinh đường ruột, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, đi ngoài phân sống, tiêu hóa kém, hay bị táo bón".

Trong khi thực tế hai sản phảm này chỉ có công dụng: Bổ sung lợi khuẩn có ích dạng bào tử và chất xơ hỗ trợ nhuận tràng, hỗ trợ làm giảm tình trạng táo bón, hỗ trợ cải thiện hệ vi sinh đường ruột (Theo Giấy xác nhận quảng cáo số 449/2022/XNQC-ATTP).

Cảnh báo về bốn sản phẩm của Công ty Amano Nhật Bản - Ảnh 3.

Insotac Gold, Insotac Fast được quảng cáo có những công dụng trên trời.

Tại ba website amanoenzym.com, insotac.com và taobon.vn còn liệt kê chi tiết công dụng của các thành phần có trong sản phẩm, khiến người tiêu dùng khó xác định được sản phẩm có công dụng điều trị bệnh hay không.

Các thành phần có trong sản phẩm là FOS, Fibregum, Mủ Trôm, Galactofructose, lợi khuẩn đường ruột, bào tử lợi khuẩn Bacillus, các vitamin nhóm B, Sorbitol, vitamin PP, vitamin B5, vitamin B1, vitamin B6 Vitamin PP được quảng cáo có các công dụng như sau: Điều hòa chức năng ruột, tăng lượng phân và nhu động ruột, giảm tình trạng đầy hơi chướng bụng; Tăng cường tiêu hóa chất dinh dưỡng, duy trì cân bằng hệ vi sinh đường ruột, ngăn ngừa các vấn đề thường gặp trên đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón; Ngăn ngừa một số bệnh lý trên da như viêm da, ung thư da, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh đái tháo đường tuýp 1…

Cảnh báo về bốn sản phẩm của Công ty Amano Nhật Bản - Ảnh 4.

Cảnh báo về bốn sản phẩm của Công ty Amano Nhật Bản - Ảnh 5.

Sử dụng hình ảnh của chuyên gia y tế để quảng cáo, khẳng định đây là "dòng sản phẩm điều trị" là hành vi vi phạm pháp luật.

Trên website unicalkidscalcium.com, sản phẩm Unical Calcium cũng được quảng cáo sai tương tự, bằng cách liệt kê công dụng của các thành phần có trong sản phẩm bao gồm Vitalarmor Ca D (tương đương Canxi từ sữa), vitamin D3, Vitamin K2 dạng MK7, L-Lysine.HCl và kẽm Gluconat.

Các thành phần này được quảng cáo giúp: Tăng cường miễn dịch, kích thích vị giác, tăng cường hấp thu, duy trì nồng độ canxi trong cơ thể và giảm sự bài tiết ra bên ngoài cơ thể; Bổ sung dinh dưỡng giúp cho cơ thể dễ tiêu hóa và hấp thu, tăng cường hấp thụ canxi, giảm đào thải canxi ở thận, giúp cho việc tạo xương phát triển bình thường; Vận chuyển canxi từ máu vào xương, răng giúp hệ xương răng chắc khỏe, hỗ trợ trẻ phát triển chiều cao tốt, giảm nguy cơ còi xương, gãy xương; Bảo vệ sụn khớp khỏi tình trạng vôi hóa sớm, đồng thời hỗ trợ hình thành các dải collagen giúp cho xương được dẻo dai hơn…

Không chỉ vậy, bốn sản phẩm Unical Calcium, Amano Enzyme gold, Insotac Gold và Insotac Fast còn được sử dụng hình ảnh, lời nói của chuyên gia y tế bao gồm dược sĩ Lê Minh Ngọc, Ts.Bs Lê Thị Thu Hương, Ths.Ds Lê Minh Tuấn để quảng cáo sai phép. Ngoài ra, những phản hồi tốt của bệnh nhân sau khi sử dụng sản phẩm cũng được đăng tải nhằm gia tăng niềm tin cho khách hàng.

Để có thêm thông tin khách quan, phóng viên đã liên hệ đến Công ty Amano Nhật Bản số điện thoại 09345596xx có trên Giấy xác nhận nội dung quảng cáo do Cục An toàn thực phẩm cấp. Phía đại diện của Công ty Amano Nhật Bản phủ nhận không có các sản phẩm như phóng viên phản ánh, các website amanoenzym.com và taobon.vn đều không phải của công ty. Tuy nhiên, theo tìm hiểu hai website này đều đã được đăng ký tại Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương dưới tên doanh nghiệp là  Công ty Cổ phần Dược phẩm Amano Nhật Bản.

Cảnh báo về bốn sản phẩm của Công ty Amano Nhật Bản - Ảnh 6.

Phản hồi từ phía bệnh nhân được sử dụng để quảng cáo sai phép.

Việc quảng cáo TPBVSK sai sự thật, sử dụng hình ảnh của chuyên gia y tế và chia sẻ của bệnh nhân để quảng cá là hành vi vi phạm Luật Quảng cáo, Nghị định 15/2018/NĐ-CP về việc hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, Thông tư số 43/2014/TT-BYT về quản lý thực phẩm chức năng của Bộ Y tế và Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Pháp luật & Bạn đọc sẽ tiếp tục thông tin.

Khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định: Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Khoản 9, Điều 8, Luật Quảng cáo số 47/VBHN-VPQH quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo nêu rõ: Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Thông tư số 43/2014/TT-BYT về quản lý thực phẩm chức năng của Bộ Y tế cũng quy định: "Công bố khuyến cáo về sức khỏe phải đúng bản chất của sản phẩm, chỉ công bố công dụng của thành phần cấu tạo có công dụng chính hoặc công bố công dụng hợp thành của những thành phần cấu tạo khi có bằng chứng khoa học chứng minh và không công bố công dụng theo cách liệt kê công dụng của các thành phần".


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cảnh báo các sản phẩm của Công ty Amano Nhật Bản quảng cáo sai sự thật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO