Cụ thể, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội phối hợp Công an huyện Thanh Trì đấu tranh, triệu tập đối tượng Phan Văn Tùng (sinh năm 1998, hộ khẩu thường trú tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, hiện trú ở Thanh Trì). Đối tượng trước đây từng làm nhân viên giao hàng. Khi làm việc, Tùng phát hiện nhiều khách hàng mua hàng online thường không nhận hàng trực tiếp mà bảo nhân viên giao hàng gửi lại người quen hoặc để trước cửa nhà. Sau đó, người mua hàng sẽ gửi số tài khoản để chuyển tiền.Nhận thấy có thể lợi dụng kẽ hở này để chiếm đoạt tiền của người mua hàng nên Tùng tìm thông tin khách hàng rồi sử dụng các số điện thoại (sim rác) như: 0342791041, 0586991769, 0588579105, 0587112248… gọi từ 100 - 200 cuộc điện thoại, giới thiệu là nhân viên giao hàng.Nếu đầu dây bên kia trả lời có thể nhận hàng ngay lúc đó thì Tùng tắt máy. Nếu đầu dây bên kia trả lời không thể nhận hàng ngay lúc đó, đối tượng thông báo sẽ để kiện hàng vào nhà và đề nghị chuyển tiền tới tài khoản ngân hàng 103881219692 mang tên NGUYEN TIEN KHANH rồi chiếm đoạt.Có những khách hàng chủ quan không kiểm tra lại, Tùng tiếp tục gọi điện thông báo có đơn hàng nữa yêu cầu chuyển thêm tiền mua hàng rồi chiếm đoạt.Với phương thức trên, từ tháng 4/2024 đến khi bị bắt, đối tượng lừa đảo được hàng trăm khách hàng, số tiền chiếm đoạt hơn 130 triệu đồng.Công an huyện Thanh Trì đã tạm giữ hình sự đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản để điều tra theo quy định của pháp luật.Tương tự, Công an phường Bồ Đề, quận Long Biên tiếp nhận tin trình báo của bà H (sinh năm 1958, hộ khẩu thường trú Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) về việc bà bị đối tượng giả danh shipper lừa đảo gọi điện nhận hàng. Do không có nhà nên bà đã chuyển khoản tiền hàng cho đối tượng. Tuy nhiên, đối tượng gọi lại báo chưa nhận được tiền rồi hướng dẫn bà nhấn vào đường link đối tượng gửi. Khi làm theo hướng dẫn xong, bà H phát hiện 2 tài khoản ngân hàng bị mất gần 100 triệu đồng.Theo Công an thành phố Hà Nội, thủ đoạn của các đối tượng là thu thập thông tin người dân trên trang mua hàng online; mua thông tin khách hàng qua các phiên livestream trên mạng xã hội; truy cập trang mua hàng trên nền tảng mạng xã hội… Sau đó, đối tượng giả danh là nhân viên giao hàng của các đơn vị giao hàng uy tín gọi điện hỏi khách có nhà không. Do bận hoặc không có ở nhà để nhận hàng và số tiền thanh toán không lớn nên khách hàng dễ dàng đồng ý chuyển khoản thanh toán cho đối tượng. Sau khi người dân chuyển khoản thành công, các đối tượng thông báo chưa nhận được tiền hoặc có sự nhầm lẫn số tài khoản, hệ thống tự động trừ 3 - 3,5 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của khách hàng. Nạn nhân muốn lấy lại tiền, đối tượng gửi đường link liên kết đến trang web và số điện thoại giả mạo của đơn vị giao hàng để liên hệ.Khi người dân bấm vào đường liên kết giả mạo sẽ có nguy cơ điện thoại bị nhiễm mã độc, chiếm đoạt thông tin cá nhân quan trọng và mất quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử dẫn đến đối tượng dễ dàng lấy cắp tiền.Để tránh bị các đối tượng giả danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, người dân cảnh giác khi nhận điện thoại lạ, không chuyển khoản khi chưa trực tiếp nhận hàng; không nên chuyển tiền cho người lạ, cần xác minh thật kỹ thông tin trước khi chuyển khoản. Người dân tuyệt đối không đăng nhập vào đường link do người lạ gửi tới, tránh mắc bẫy lừa đảo.Hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn. Do đó người dân nên chủ động truy cập để theo dõi đường đi của đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng.
Khi bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần đến Cơ quan Công an gần nhất trình báo để được hỗ trợ kịp thời.