Tin vào những lời mời chào qua mạng, một số bị hại ở Thừa Thiên Huế tham gia đầu tư online để thu lời. Tuy nhiên khi thực hiện chuyển tiền đầu tư thì bị các đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền, cảnh báo các phương thức thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao, nhưng nhiều người vẫn tiếp tục bị các đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Trong đó, có nhiều nạn nhân là những người am hiểu nhất định về pháp luật, lĩnh vực tài chính.
Một bị hại trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khi đang làm kế toán cho một công ty, chị này nhận được lời mời chào đầu tư chứng chỉ quỹ với mức lợi nhuận hấp dẫn từ Zalo. Vì chủ quan, tin tưởng vào lời mời chào nên đã tham gia đầu tư để thu lời theo hướng dẫn của số đối tượng lừa đảo.
"Từ việc đầu tư 100 nghìn đồng thu liền lợi nhuận 130 nghìn đồng, đầu tư 1 triệu đồng thu hơn 1.3 triệu đồng, nghĩ rằng dễ dàng kiếm lợi nhuận khủng từ đầu tư online, tôi đã sa vào bẫy của số đối tượng lừa đảo. Đến khi chuyển cho các đối tượng số tiền gần 600 triệu đồng tiền đầu tư thì mới phát hiện ra đó chỉ là chiêu thức lừa đảo trên không gian mạng" bị hại này nói.
Tương tự, một nạn nhân khác lên mạng xã hội tìm dịch vụ làm việc tại nhà, do không tìm hiểu kỹ nên đã bị lừa mất gần 400 triệu đồng. "Sự việc diễn ra khá lâu nhưng đến giờ nhắc lại vẫn hết sức bàng hoàng và dằn vặt lương tâm. Bởi vì một phút thiếu suy nghĩ, cả tin làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân và gia đình", người này nói.
Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, qua các vụ việc liên quan lừa đảo đầu tư online, làm việc tại nhà khi biết các nạn nhân đầu tư số lượng tiền lớn, các đối tượng ngụy tạo nhiều lý do không cho nạn nhân rút tiền, cung cấp số tài khoản sai, đưa ra hệ thống lỗi, đặt sai lệnh, yêu cầu nạn nhân quỵ tiền vào nếu muốn rút vốn và lãi để tiếp tục chiếm đoạt.
Người dân cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác với loại tội phạm lừa đảo công nghệ cao, đặc biệt là khi tiếp cận môi trường mạng xã hội.
Các đối tượng thường mạo danh cơ quan chức năng như: công an, viện kiểm sát, tòa án, quân nhân rồi làm quen qua mạng xã hội, tỏ tình yêu đương, hứa hẹn tặng quà có giá trị rất lớn rồi yêu cầu các nạn nhân chuyển các loại phí để nhận quà và sau đó chiếm đoạt.
Ngoài ra, các đối tượng còn tạo một đường link có giao diện giả với giao diện của các cơ quan, doanh nghiệp hoặc các chương trình phát sóng trên vô tuyến và lợi dụng các công ty tài chính, tập đoàn kinh tế lớn ở nước ngoài để mời gọi đầu tư online trên không gian mạng với lợi nhuận rất cao.
Như Gia đình và Xã hội thông tin, tại Thừa Thiên Huế tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng, phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến từng cơ quan, doanh nghiệp, trường học, người dân.
Hướng dẫn cán bộ, nhân viên, người dân chủ động xác minh, kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch, chuyển tiền; không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ dưới bất cứ hình thức nào, tránh sập bẫy các đối tượng.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Sở TT&TT tăng cường kiểm tra công tác quản lý sim số của các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, không để diễn ra tình trạng mua bán sim “rác”. Đề nghị các doanh nghiệp viễn thông, internet, các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên hạ tầng mạng không cung cấp dịch vụ có nội dung lừa đảo, nghi vấn lừa đảo hoặc có thể bị lợi dụng để lừa đảo; chủ động triển khai các biện pháp cảnh báo, hỗ trợ, bảo vệ người sử dụng...