Khi thay đổi thời tiết, trẻ rất dễ bị mắc các bệnh mũi họng. Tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi có thể kéo dài hàng tuần khiến cha mẹ của bé sốt ruột và tự mua thuốc nhỏ mũi và sử dụng vô tội vạ. Nhưng việc sử dụng thuốc nhỏ mũi cho trẻ không đúng cách có thể khiến trẻ gặp phải các tình huống nguy hiểm…
Các nguy cơ có hại khi sử dụng thuốc nhỏ mũi cho trẻ không đúng cách
Nếu dùng thuốc nhỏ mũi khi trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi với mục đích giúp trẻ dễ thở, giảm chảy mũi… thì đa số các thuốc nhỏ mũi đều chứa chất co mạch. Các thuốc nhỏ mũi có những loại chống chỉ định cho trẻ; có loại được dùng cho trẻ nhưng hàm lượng phải rất thấp… Do đó nếu phụ huynh tự ý mua về và sử dụng sai liều lượng, hàm lượng, sai hoạt chất sẽ rất nguy hiểm.
Ngoài tác dụng tại chỗ, thuốc còn ngấm qua niêm mạc, vào máu có thể gây tác hại toàn thân. Hơn nữa, kể cả các thuốc được dùng cho trẻ, nhưng nếu lạm dụng thì sẽ có hiệu ứng ngược. Nghĩa là lúc mới sử dụng, thuốc giúp làm hết sổ mũi, nghẹt mũi, nhưng sau một thời gian lạm dụng, thuốc gây xơ hóa các mạch máu ở mũi gây nghẹt mũi trở lại. Đó là tình trạng bệnh viêm mũi mạn tính do thuốc mà việc điều trị sẽ rất khó khăn. Tác dụng phụ này thường gặp ở cả người lớn nếu lạm dụng thuốc.
Các thuốc chứa hoạt chất có tác dụng co mạch, chống sung huyết tại niêm mạc mũi như naphazolin, oxymetazolin, xylometazolin… có tác dụng cường giao cảm thần kinh, sẽ giúp co mạch và giảm sung huyết nhanh chóng. Sau khi nhỏ mũi sẽ thấy ngay hiệu quả, giảm chảy nước mũi và thông đường thở, nên dễ bị lạm dụng.
Tuy nhiên, tác dụng cường giao cảm thần kinh này của thuốc có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ, bởi nó không chỉ gây co mạch tại chỗ mà còn có thể gây co mạch toàn thân. Tác dụng này có thể khiến trẻ bị tím tái, choáng, vã mồ hôi, trụy tim mạch… Đây là một tình trạng cấp cứu có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc nhỏ mũi gây co mạch là gây rát mũi, khô mũi, chảy máu mũi… khiến trẻ khó chịu và nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn cao hơn.
Cách sử dụng thuốc nhỏ mũi an toàn cho trẻ
Tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi do viêm mũi họng có nguyên nhân chủ yếu đến từ virus. Do đó đa số các trường hợp dùng bất kỳ một loại thuốc nào cũng là không cần thiết. Việc làm cần thiết lúc này là bảo đảm trẻ được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, giữ ấm cho trẻ, vệ sinh mũi họng an toàn cho trẻ nhằm làm giảm các triệu chứng.
- An toàn nhất là sử dụng nước muối dạng nhỏ hoặc xịt. Hai loại thường dùng là nước muối đẳng trương (nước muối sinh lý 0,9%) và nước muối ưu trương.
Nước muối sinh lý 0.9%, thường dùng với mục đích vệ sinh lấy sạch mũi nhầy. Đây là loại nước muối có cùng nồng độ muối sinh lý với mũi/họng nên có thể dùng nhiều lần, dài ngày tùy theo nhu cầu vệ sinh khi viêm nhiễm.
Sau khi vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối này, có thể dùng loại nước muối ưu trương (là loại có nồng độ muối cao hơn 0.9%) để nhỏ mũi sẽ làm cuốn mũi co lại và giúp trẻ dễ thở hơn.
Lưu ý, trường hợp trẻ bị nghẹt mũi quá có thể nhỏ mũi bằng nước muối ưu trương trước để giúp cuốn mũi giảm phù nề, sau đó vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý và nhỏ lặp lại nước muối ưu trương. Tuy nhiên loại nước muối này không nên sử dụng quá 7 ngày liên tục vì có thể dẫn đến tổn thương niêm mạc mũi.
- Tuyệt đối không sử dụng thuốc nhỏ mũi của người lớn cho trẻ. Nếu có chỉ định của bác sĩ về một loại thuốc nhỏ mũi dùng được cho trẻ, cũng không được dùng quá ngày mà bác sĩ đã chỉ định.
- Ngoài ra, cần tăng cường cho trẻ uống nhiều nước, sữa. Nếu trẻ còn bú mẹ thì tăng cường cho trẻ bú. Nên vệ sinh mũi cho trẻ trước khi ăn khoảng 30 phút để trẻ dễ thở, tránh việc trẻ bị nôn trớ. Nếu trẻ bị nôn trớ thì nên vệ sinh ngay vì thức ăn kèm dịch vị dạ dày sẽ bám trên mũi, khiến tình trạng viêm mũi dai dẳng hơn.
Cách nhỏ mũi, vệ sinh mũi đúng cho trẻ
- Với trẻ nhỏ, nên đặt trẻ nằm nghiêng sang một bên, khi trẻ sẵn sàng hợp tác thì nhỏ hoặc xịt nước muối vào mũi (nên chọn loại bình xịt nước muối biển mà khi ấn liên tục vào vòi xịt thì xịt được liên tục hoặc nước muối sinh lý). Tuyệt đối không được dùng miệng để hút mũi cho trẻ vì sẽ dễ lây lan thêm mầm bệnh từ miệng người lớn sang cho trẻ.
- Với trẻ lớn có thể hướng dẫn trẻ ngồi và nghiêng đầu sang một bên để xịt thuốc mũi, sau đó xì sạch mũi. Lưu ý khi trẻ xì mũi, nên hướng dẫn trẻ dùng một ngón tay bịt một bên lỗ mũi, xì mũi bên kia và tiếp theo làm ở bên mũi còn lại. Không để trẻ xì mũi thật mạnh cả hai bên, vì động tác này làm tăng đột ngột áp lực trong tai, dễ gây rách màng nhĩ.
Nếu trẻ chưa biết xì mũi, có thể sử dụng khăn giấy mềm, dai làm bấc sâu kén đặt vào hốc mũi của trẻ để thấm ướt dịch mũi, sau đó lấy ra và đặt lại một bấc sạch. Lặp lại các bước này cho đến khi sạch mũi.
Lưu ý: Phải đảm bảo bàn tay người làm vệ sinh và dụng cụ luôn sạch sẽ.
Nên làm dung dịch vệ sinh mũi ấm lên khoảng 34- 35 độ để giúp trẻ dễ chịu và tránh trẻ sợ khi bị nước lạnh đột ngột chảy vào mũi. Hơn nữa nếu dung dịch có thể gây co mạch đột ngột, đôi khi gây tắc vòi nhĩ tạo điều kiện thuận lợi cho viêm tai.
DS.Nguyễn Minh Thành