Một phần cầu Long Thành trên cao tốc nối TP HCM - Đồng Nai bị rào chắn để sửa khe co giãn khiến ôtô ùn ứ kéo dài, sáng 5/9.
Sáng nay, đơn vị thi công bắt đầu dựng hàng cọc tiêu, ngăn ôtô vào làn đường sát dải phân cách giữa cầu Long Thành, hướng từ Đồng Nai qua TP HCM trên tuyến cao tốc. Mặt đường một bên cầu bị thu hẹp, chỉ còn lại một làn khiến xe ùn ứ hơn hai km về phía Đồng Nai. Dòng xe tải, container, ôtô 4-7 chỗ... xếp hàng dài, chậm chạp qua đoạn rào chắn.
"Bình thường cầu Long Thành đã thường xuyên ùn ứ do xe phải đi chậm qua trạm thu phí dưới chân cầu. Nay thêm rào chắn khiến tình hình căng thẳng hơn", tài xế Văn Hiếu, 35 tuổi, ở TP HCM nói.
Đơn vị thi công dựng hàng cọc tiêu ngăn một làn đường trên cầu Long Thành, sáng 5/9. Ảnh: Gia Minh
Theo Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE - đơn vị quản lý cao tốc), một phần cầu Long Thành bị rào chắn để thi công sửa chữa khe co giãn trụ P20 của cầu. Khe co giãn này đã bị gãy thanh ray, bắt buộc phải sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn. Việc thi công dự kiến kéo dài 18 ngày, nhưng đơn vị đặt mục tiêu rút ngắn còn 15 ngày nếu điều kiện thời tiết thuận lợi.
Để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công, đoạn cao tốc qua khu vực cầu Long Thành giới hạn tốc độ xe còn 40 km/h. Đồng thời, VEC E phối hợp CSGT, Khu Quản lý đường bộ 4 (Cục Đường bộ) cùng các đơn vị liên quan điều tiết từ xa cũng như chủ động phương án xử lý sự cố nếu phát sinh trên tuyến cao tốc.
Theo đại diện VEC E, cầu Long Thành có hai làn xe ở mỗi hướng và độ dốc lớn. Quá trình khai thác, đơn vị cũng ghi nhận tình trạng ùn ứ thường xuyên tại khu vực này dịp cuối tuần, lễ Tết hoặc khi có sự cố. Do đó, khi rào chắn một phần cầu càng khó tránh khỏi ùn tắc nên các tài xế cần theo dõi thông tin giao thông, chọn lộ trình khác phù hợp.
Ùn ứ kéo dài trên cầu Long Thành, hướng từ Đồng Nai qua TP HCM; hướng ngược lại thông thoáng. Ảnh: Gia Minh
Trong thời gian thi công, ôtô hướng từ Dầu Giây qua TP HCM có thể đi thẳng quốc lộ 1 hoặc tới nhánh B cao tốc rẽ phải ra quốc lộ 51, đến ngã tư Vũng Tàu rồi về TP HCM. Với hướng từ Phan Thiết về TP HCM, tài xế có thể chuyển hướng đi tới nhánh B cao tốc rồi rẽ ra quốc lộ 51 hoặc tới trạm thu phí Dầu Giây, rồi đi theo quốc lộ 1 về lại thành phố.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, 4 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, đưa vào khai thác giai đoạn một từ năm 2015. Trên tuyến, cầu Long Thành bắc qua sông Đồng Nai, nối TP Thủ Đức sang huyện Long Thành là cây cầu có quy mô lớn nhất. Cầu dài hơn 2,3 km, rộng 19,7 m, mỗi hướng hai làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Những năm gần đây, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên quá tải các dịp cuối tuần và lễ, Tết do lượng xe dồn đến rất lớn. Tuyến đường này sau khi nối thông với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết về Bình Thuận, áp lực giao thông tăng lên do trở thành lộ trình chính từ TP HCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết - Mũi Né. Hiện cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được nghiên cứu các phương án mở rộng lên 8-10 làn xe.