Các bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang vừa cấp cứu thành công cho sản phụ Bùi Thị Hòa (23 tuổi, trú tại KCN Đình Trám, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị co giật, sốt cao khi mang thai được 37 tuần.
Khi vào viện, sản phụ Hòa trong tình trạng vật vã kích thích, sốt cao mất ý thức và co giật liên tục được chẩn đoán viêm màng não nặng. Lúc này, thai nhi 37 tuần tuổi có dấu hiệu suy thai cũng được các bác sỹ kịp thời mổ lấy thai an toàn bởi người mẹ đã vỡ ối chuyển dạ sinh non.
Khi đưa vào Trung tâm Y tế huyện Việt Yên, sản phụ Hòa đã bị vỡ ối sớm, kích thích vật vã và co giật từng cơn. Tại đây các bác sỹ đã cấp cứu cho sản phụ theo phác đồ chống co giật nhưng không cắt được cơn sản giật nên đã chuyển tuyến.
Bác sỹ CKII Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Khoa Đẻ - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết: “Ngay khi sản phụ Hòa nhập viện Sản Nhi Bắc Giang đã được chuyển thẳng lên Phòng Cấp cứu của Khoa Đẻ để đội ngũ y bác sỹ thăm khám cụ thể toàn trạng.
Kết quả nhận thấy các chỉ số mạch, huyết áp và thân nhiệt đều tăng cao bất thường khi sản phụ sốt cao 39 độ C, mạch đập nhanh với tần số 177 lần/phút và huyết áp đo được là 200/135 mmHg, đặc biệt đo tim thai thấy nhịp tim nhanh 165 - 168 lần/phút, cổ tử cung của sản phụ đã mở được 02 phân và ối vỡ hết, nước ối có màu xanh lẫn phân su của bé - đây là dấu hiện của tình trạng suy thai cấp, trong khi sản phụ vẫn vật vã kích thích, co giật từng cơn và mất ý thức.
Đây là một trường hợp khó chẩn đoán và xử trí, trong khi tình trạng bệnh rất nguy kịch đe dọa tính mạng cả sản phụ và thai nhi. Ban lãnh đạo bệnh viện hội chẩn ngay tại phòng Cấp cứu để quyết định chẩn đoán và có phương pháp xử trí cấp cứu.
Sản phụ Hòa được chỉ định mổ vì suy thai cấp trên bệnh nhân sản giật chưa loại trừ viêm não, màng não; đồng thời sản phụ cũng được các bác sỹ hồi sức tích cực trước, trong và sau mổ bằng thuốc hạ áp, hạ sốt, thuốc chống co giật, bồi phụ nước điện giải, dùng kháng sinh điều trị viêm não, lấy mẫu xét nghiệm cấp cứu cũng như tư vấn cho người nhà sản phụ về tình trạng của mẹ và thai nhi”.
Ngay khi mổ lấy thai thành công cũng là lúc có kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu của sản phụ, các bác sỹ nhận thấy nồng độ protein trong nước tiểu (protein niệu) tăng cao ở mức 3 , lượng bạch cầu trong máu cao hơn bình thường rất nhiều ở mức 19.400/mm3 (trong khi số lượng bạch cầu trung bình sẽ dao động trong khoảng 4.000 - 10.000/mm3), đường huyết cũng tăng rất cao ở mức 30 mmol/l (trong khi mức đường huyết bình thường từ 3,9 mmol - 6,5 mmol/l).
Các bác sỹ tiếp tục điều chỉnh giảm đường huyết cho sản phụ bằng cách truyền insulin, bù dịch, bù kali để điều trị rối loạn đường huyết. Sau khi dùng hết 20 đơn vị insulin thì đường huyết của sản phụ được duy trì ổn định. 05 ngày sau phẫu thuật, sản phụ Hòa đã phục hồi sức khỏe tốt, trẻ sở sinh cũng được chuyển sang Phòng ghép Mẹ và Bé để mẹ cháu có thể tự tay chăm sóc cháu.Viêm não, màng não là một dạng bệnh nhiễm trùng của màng não và có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: tê liệt chân tay, động kinh, điếc, mù, phù não, hôn mê thậm chí tử vong.
Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang Lê Công Tước cũng thông tin thêm: “Qua quá trình điều trị cho sản phụ Hòa thì có thể nhận định rằng căn nguyên khiến sản phụ sốt cao, co giật, mất ý thức và bạch cầu trong máu tăng cao là do bệnh viêm não, màng não, từ đó gây rối loạn đường huyết khiến đường huyết tăng cao.
Khi xét nghiệm nhận thấy đường huyết của sản phụ Hòa cao gấp 05 - 06 lần mức bình thường nhưng đây không phải là nguyên nhân gây nên các triệu chứng kể trên bởi nếu là bệnh lý tiểu đường thai kỳ đơn thuần thì chỉ với 01 liều điều trị 20 đơn vị insulin thì không thể duy trì đường huyết ổn định suốt thời gian điều trị hậu phẫu được
Với những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường khiến đường huyết tăng cao thì cần phải điều trị liên tục, đặc biệt phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ thì cần phải điều trị trong thời gian dài mới ổn định được nên có thể xác định việc tăng đường huyết chỉ là một triệu chứng trong hội chứng bệnh của sản phụ.
Mặt khác, huyết áp sản phụ tăng cao, xét nghiệm thấy có protein niệu nhưng sản phụ không có hiện tượng phù chân hay mặt, đây là 02 trong 03 triệu chứng chính kinh điển của tiền sản giật, nhưng cơn sản giật không gây sốt và bạch cầu tăng cao như vậy nên có thể loại trừ nguyên nhân là do sản giật, nhất là sau cơn sản giật thì sản phụ cũng không thể mất ý thức nhiều như vậy.
Qua đây các bác sỹ sản khoa cũng khuyến cáo rằng: Phụ nữ mang thai nên đi khám thai định kỳ thường xuyên và nên được quản lý thai nghén ở những bệnh viện chuyên khoa, chứ không chỉ siêu âm đơn thuần.
Tại đây sản phụ sẽ được thăm khám toàn diện, theo dõi huyết áp, xét nghiệm máu, nước tiểu cũng như tư vấn về dinh dưỡng... Trường hợp phát hiện triệu chứng tiền sản giật hoặc tiểu đường thì sẽ được nhập viện điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn sức khỏe của mẹ và thai nhi.
(Theo Infonet)