Cập nhật việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

15/10/2024 09:45

Nội dung bài viết sau cập nhật việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp theo quy định pháp luật từ ngày 15/11/2024.

Cập nhật việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

Cập nhật việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (Hình ảnh từ Internet)

Ngày 30/9/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 06/2024/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2015/TT-BKHCN quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Cập nhật việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 06/2024/TT-BKHCN thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính là tạm giữ tên miền khi nhận được các tài liệu hợp lệ của chủ thể kiến nghị xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng tên miền được quy định tại điểm a khoản 16 Điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP, bao gồm:

- Đề nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính “tạm giữ tên miền” (bằng văn bản riêng hoặc thể hiện trong đơn kiến nghị xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng tên miền);

- Văn bản ủy quyền theo quy định tại Điều 23 Nghị định 99/2013/NĐ-CP (nếu có);

- Tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng tên miền theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 19 Thông tư 06/2024/TT-BKHCN.

Hiện hành, tại Điều 4 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN quy định các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp như sau:

- Biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được thực hiện như sau:

+ Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm được áp dụng đối với tang vật, phương tiện vi phạm là sản phẩm, hàng hóa, biển hiệu, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch gắn dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hoặc gắn chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn.

Phương pháp loại bỏ có thể tiến hành bằng một hoặc nhiều phương thức như: gỡ bỏ, tháo, cắt, xoá, mài hoặc các biện pháp thích hợp khác để loại bỏ yếu tố vi phạm ra khỏi tang vật, phương tiện vi phạm.

+ Buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền được áp dụng trong trường hợp bên yêu cầu xử lý vi phạm và bên bị yêu cầu xử lý vi phạm không đạt được thoả thuận theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 99/2013/NĐ-CP và bên bị yêu cầu xử lý vi phạm không chấm dứt hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền vi phạm.

+ Buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp được áp dụng khi bên bị yêu cầu xử lý vi phạm không chấm dứt hành vi sử dụng tên doanh nghiệp xâm phạm hoặc không tiến hành thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp xâm phạm theo thông báo của cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc theo thỏa thuận của của các bên.

- Buộc tiêu hủy hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm quy định tại điểm d khoản 3 Điều 3 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được áp dụng đối với:

+ Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; tem nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo; tem, nhãn, vật phẩm mang yếu tố vi phạm;

+ Hàng hóa không còn giá trị sử dụng;

+ Hàng hóa gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường;

+ Hàng hóa mà yếu tố xâm phạm không thể loại bỏ ra khỏi hàng hóa hoặc việc loại bỏ không đảm bảo ngăn chặn triệt để hành vi vi phạm hoặc không thể áp dụng được các biện pháp xử lý khác.

- Đối với hàng hóa vi phạm, nguyên vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất hàng hoá vi phạm, tang vật, phương tiện vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào tính chất, đặc điểm của hàng hoá và các tình tiết, điều kiện hoàn cảnh cụ thể của vụ việc để quyết định biện pháp xử lý phù hợp, có tham khảo ý kiến của chủ thể quyền, người yêu cầu xử lý vi phạm và tổ chức, cá nhân liên quan.

Sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm loại bỏ yếu tố vi phạm ra khỏi hàng hóa, cơ quan xử lý vi phạm có thể:

+ Cho phép tổ chức, cá nhân vi phạm tận dụng hàng hóa, nguyên vật liệu để làm nguyên vật liệu sản xuất hàng hoá khác hoặc cho phép phân phối, sử dụng không nhằm thu lợi nhuận và không ảnh hưởng đến khả năng khai thác của chủ thể quyền, trong đó ưu tiên mục đích nhân đạo, từ thiện hoặc phục vụ lợi ích xã hội; hoặc

+ Bán đấu giá để sung công quỹ hoặc các biện pháp khác theo đề nghị và thoả thuận của các bên liên quan phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 29 Nghị định 105/2006/NĐ-CP sửa đổi.

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm h khoản 3 Điều 3 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được áp dụng khi có hóa đơn, chứng từ, tài liệu hợp lệ chứng minh tổ chức, cá nhân đó đã thực hiện hành vi vi phạm (có số lượng, giá trị hàng hóa vi phạm kèm theo) và hàng hóa vi phạm đã được phát hiện đến thời điểm thanh tra, kiểm tra.

Số tiền thu lợi bất hợp pháp được nộp vào Kho bạc Nhà nước tương tự như thủ tục nộp tiền phạt theo quyết định xử phạt hành chính. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử phạt có tài khoản tạm thu mở tại Kho bạc Nhà nước thì tiền thu lợi nói trên được nộp vào tài khoản tạm thu của cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Định kỳ, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm có trách nhiệm nộp lại cho Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải chịu mọi chi phí cho việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Xem thêm Thông tư 06/2024/TT-BKHCN có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2024.

Theo thuvienphapluat.vn
https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/chinh-sach-moi/73254/cap-nhat-viec-ap-dung-bien-phap-ngan-chan-va-bao-dam-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-so-huu-cong-nghiep
Copy Link
https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/chinh-sach-moi/73254/cap-nhat-viec-ap-dung-bien-phap-ngan-chan-va-bao-dam-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-so-huu-cong-nghiep
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cập nhật việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO