Cấy que tránh thai gây vô kinh có nguy hiểm không?

Mai Nguyên 05/10/2022 09:40

PLBĐ - Theo chuyên gia, việc không ra kinh nguyệt hàng tháng của một phụ nữ khi cấy que tránh thai là chuyện hết sức bình thường và không cần lo lắng gì.

Cấy que tránh thai là gì?

Que tránh thai là 1 ống nhỏ bằng chất dẻo chứa nội tiết tố, được cấy dưới da ở mặt trong của cánh tay (thường là cánh tay không thuận). Sau khi được cấy, que cấy sẽ phóng thích dần dần lượng hormone dạng progesterone, có tác dụng ngăn cản quá trình rụng trứng và ngừa thai kéo dài. Hormone sử dụng trong que cấy tránh thai là các progesterone: Levonorgestrel hay etonogestrel.

Hiệu quả của phương pháp cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là phương pháp an toàn phù hợp với phụ nữ nhiều độ tuổi, hay quên uống thuốc ngừa thai hàng ngày, phụ nữ đang cho con bú, trên 40 tuổi, thậm chí có u xơ tử cung…

Tác dụng ngừa thai kéo dài có thể lên đến 3 năm (tùy loại). Hiệu quả cao lên tới 99,95%, cấy que tránh thai hiện nay được coi là giải pháp tránh thai tối ưu dành cho chị em phụ nữ. Khi muốn có con trở lại, chỉ cần thực hiện thủ thuật tháo bỏ que cấy. 90% chị em sẽ rụng trứng sau 3-4 tuần tháo que.

Cấy que tránh thai gây vô kinh có nguy hiểm hay không? - Ảnh 1.

Cấy que tránh thai là phương pháp an toàn phù hợp với phụ nữ nhiều độ tuổi, hay quên uống thuốc ngừa thai hàng ngày, phụ nữ đang cho con bú, trên 40 tuổi, thậm chí có u xơ tử cung… (Ảnh: Internet)

Cấy que tránh thai gây vô kinh có nguy hiểm?

Theo Ts. Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên Bộ môn Sản, Trường đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc không ra kinh nguyệt hàng tháng của một phụ nữ khi cấy que tránh thai là chuyện hết sức bình thường và không cần lo lắng gì.

Kinh nguyệt bình thường là do sự bong tróc lớp lót trong lòng tử cung. Những người sử dụng cấy que tránh thai thì lớp lót trong lòng tử cung không bị bong tróc ra, người phụ nữ sẽ không thấy có kinh trong vài tháng đôi khi là điều tốt cho sức khỏe của họ. Họ sẽ không bị mất máu theo chu kỳ hàng tháng và họ hoàn toàn không bị "ứ máu kinh" gì cả.

Ts. Trung cũng  thông tin thêm, cấy que tránh thai có thể tạo ra một số sự thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.

Trong vài tháng đầu triệu chứng có thể xảy ra là ra kinh ít hơn, ngắn hơn hay ngược lại có thể rong kinh kéo dài.  Sau 1 năm thì que cấy tránh thai thường hay gây vô kinh.

Các triệu chứng khác ít gặp hơn như đau đầu, chóng mặt, căng ngực, buồn nôn … Các triệu chứng này thường thoáng qua hay giảm đi theo thời gian.

Cấy que tránh thai gây vô kinh có nguy hiểm hay không? - Ảnh 2.

Việc không ra kinh nguyệt hàng tháng của một phụ nữ khi cấy que tránh thai là chuyện hết sức bình thường và không cần lo lắng gì. (Ảnh: Internet)

Lưu ý khi có ý định cấy que tránh thai

Theo Bs. Trần Thu Nguyệt - Bộ Y tế, trước khi thực hiện phương pháp này cần nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào đối với cục máu đông, bao gồm tiền sử có cục máu đông ở chân hoặc chẩn đoán trước về cục máu đông trong phổi (thuyên tắc phổi).

Một số loại thuốc và sản phẩm thảo dược có thể làm giảm mức progestin trong máu của bạn, điều này có thể làm giảm hiệu quả của que cấy tránh thai. Trao đổi với bác sĩ của bạn về các lựa chọn tránh thai thay thế nếu bạn đang phải dùng bất cứ loại thuốc nào.

BS. Trần Thu Nguyệt khuyến cáo: Đa số phụ nữ sẽ bị chảy máu bất thường trong vòng 1 năm đầu tiên sau cấy ghép. Và nếu bạn có hiện tượng chảy máu bất thường nghiêm trọng, thì bạn cần đi khám bác sĩ để được điều trị ngay. Nếu trong trường hợp nguyên nhân được xác định là do que cấy, bác sĩ có thể chỉ định loại bỏ que.

Thủ thuật cấy que tránh thai cần phải được thực hiện tại cơ sở y tế và được thực hiện bởi nhân viên y tế đã được huấn luyện về cách đặt và rút que cấy.

Khi cấy que tránh thai, người phụ nữ nên theo dõi vị trí que cấy. Việc này có thể thực hiện qua tự sờ nắn que cấy. Nếu que chạy lệch, nằm sâu hơn cần tới cơ sở y tế để được tư vấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cấy que tránh thai gây vô kinh có nguy hiểm không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO