Theo ông Lê Quốc Ninh, phân khúc khách hàng của ngành tài chính tiêu dùng, là công nhân, lao động tự do, họ là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên khi nền kinh tế khó khăn, nhưng khi kinh tế đi lên thì họ lại là người hưởng lợi gần như cuối cùng.
Thưa ông, lĩnh vực tài chính tiêu dùng từng có thời kỳ tăng trưởng vũ bão. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, tốc độ tăng trưởng chậm lại rõ rệt. Vì sao có hiện tượng này?
Thị trường tài chính tiêu dùng có hơn 15 năm phát triển tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 2007-2008. Trong khoảng 4-5 năm đầu tiên, thị trường này chủ yếu có sự tham gia của các ngân hàng, tuy nhiên việc tiếp cận của người dân với các khoản vay khá phức tạp, về điều kiện hay cả về hồ sơ, thủ tục. Từ năm 2012 trở đi, đặc biệt từ 2015 thì khi các công ty tài chính tham gia, thị trường tài chính tiêu dùng đã có sự bùng nổ. Trong giai đoạn 2010-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường này tới hơn 30% mỗi năm.
Thị trường chỉ chậm lại từ năm 2019 khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có cơ chế chính sách mới như áp dụng trần tăng trưởng tín dụng, ngoài ra một số Thông tư mới quy định về cho vay nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng nhằm làm cho thị trường đi theo hướng bền vững, lành mạnh hơn. Sau đó thì nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid, tăng trưởng chậm lại đã khiến cho lần đầu tiên thị trường chứng kiến quy mô tín dụng tiêu dùng sụt giảm trong năm 2023.
Khó khăn đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2019, nhưng vì sao đến năm 2023 mới chứng kiến hiện tượng chưa từng thấy là quy mô tín dụng tiêu dùng sụt giảm đến vậy?
Thực tế, chính sách trần tín dụng của NHNN chỉ tác động tới quy mô tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính năm 2019. Sau đó, các công ty tài chính được thiết lập phương thức tăng trưởng mới, và thông thường mức tăng trưởng này vẫn cao hơn so với toàn hệ thống TCTD do quy mô tài chính tiêu dùng không lớn, chiếm một phần rất nhỏ so với dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Cuối năm 2023, dư nợ toàn nền kinh tế đạt khoảng 14,5 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ tín dụng tiêu dùng chỉ khoảng trên 3 triệu tỷ, và dư nợ của các công ty tài chính cũng chỉ khoảng 150 nghìn tỷ đồng, tức chỉ chiếm hơn 1% toàn hệ thống TCTD. Theo đó, NHNN cũng đã có cơ chế riêng cho các công ty tài chính về việc tăng trưởng, được tăng cao hơn bình quân toàn ngành. Như vậy, không còn quá rào cản từ room tín dụng.
Vấn đề của tín dụng tiêu dùng sụt giảm trong năm 2023 vừa qua, chính xác nằm ở nhu cầu tiêu dùng.
Người dân sẽ chỉ mạnh dạn tiêu dùng và vay tiêu dùng khi nào? Đó là khi họ có niềm tin thu nhập được gia tăng. Nếu bạn tin rằng lương thưởng tháng tới cao hơn thì nhu cầu chi tiêu dùng sẽ nhiều lên. Nhưng nếu dự đoán rằng thu nhập đi xuống thì chắc chắn bạn sẽ hạn chế chi tiêu.
Có thể thấy, những mặt hàng tiêu dùng quan trọng như xe máy và điện máy đều trong xu hướng sụt giảm. Lượng bán ra xe máy liên tục giảm từ năm 2023 đến nay. Điện máy cũng vậy, điều này có thể thấy rõ nhất từ doanh thu của các chuỗi bán lẻ hàng đầu.
Sâu xa hơn, phân khúc khách hàng của ngành tài chính tiêu dùng, là công nhân, lao động tự do, là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi kinh tế vĩ mô có những biến động bất lợi. Khi các doanh nghiệp không có đơn hàng, đầu tiên họ sẽ nghĩ đến giảm nhân công, hoãn việc. Tình trạng này đã diễn ra từ năm 2022 và kéo dài đến gần đây. Mãi đến quý 2/2024 thì chúng ta mới thấy một số nhà máy, ngành nghề có hoạt động tuyển dụng lại công nhân, nhưng chưa đáng kể so với lượng việc làm đã mất đi trước đó.
Như vậy, họ là người chịu ảnh hưởng đầu tiên khi nền kinh tế khó khăn, nhưng khi kinh tế đi lên thì họ lại là người hưởng lợi gần như cuối cùng. Bởi khi có những tín hiệu tốt, các doanh nghiệp sau khi trải qua quá trình cơ cấu lại, họ đã tối ưu quá trình sản xuất hoạt động thì việc tuyển dụng thêm công nhân sẽ diễn ra rất từ từ.
Nhu cầu vay mới thấp và khả năng trả nợ của khách hàng cũng bị ảnh hưởng. Khi khách hàng bị ảnh hưởng thu nhập sẽ có tác động 2 chiều tới công ty tài chính. Các công ty tài chính sẽ không sẵn sàng cho vay vì lo ngại năng lực trả nợ của khách hàng. Thêm vào đó, nợ xấu tăng do khả năng trả nợ suy yếu khiến các công ty tài chính quay về tập trung tổ chức lại, cơ cấu lại hoạt động.
Dường như nhu cầu tín dụng tiêu dùng phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin thu nhập nên ngay cả khi lãi suất thấp cũng không thể kích thích họ vay tiêu dùng nhiều hơn?
Đúng vậy! Lãi suất chỉ là một phần để tạo ra nhu cầu. Điều quan trọng khi đi vay là nguồn trả nợ, khả năng trả nợ, dòng tiền trả nợ hàng tháng. Trước tiên khách hàng phải có nhu cầu vay không đã, sau đó họ mới xét đến chi phí đi vay, tức số tiền phải trả bao gồm cả gốc và lãi. Khi họ đã không chắc chắn về thu nhập tương lai, về dòng tiền trả nợ thì dù lãi suất thấp họ cũng không có nhu cầu đi vay để chi tiêu. Thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp kích cầu, giảm mạnh lãi suất cho vay nhưng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn đang ở mức thấp nên tăng trưởng tín dụng vẫn không được cao như kỳ vọng.
Trong câu chuyện nợ xấu công ty tài chính, hiện tượng "bùng nợ" trở nên nghiêm trọng hơn trong vài năm gần đây. Vì sao thưa ông?
Bạn có thể thấy rất rõ trong giai đoạn khó khăn, nhiều người mất việc và có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, lại thêm mạng xã hội rất phổ biến, đây chính là nguyên nhân khiến cho việc "nở rộ" các hội nhóm rủ nhau "bùng nợ", "trốn nợ" ở trên mạng, với hàng chục nghìn người tham gia. Nếu họ có công việc bận rộn thì đã không có thời gian tham gia vào những nhóm đó.
Thứ hai, bản thân họ vì thu nhập giảm sút, không có nguồn nào để trả nợ nên lại càng dễ bị dẫn dụ. Chỉ cần search Google, Facebook các từ khóa liên quan đến "cách thức bùng nợ công ty tài chính" là ra một loạt kết quả và việc tham gia vào những nhóm đó quá dễ dàng.
Nguyên nhân một phần nữa đến từ công tác chấn chỉnh của cơ quan chức năng đối với hoạt động thu hồi nợ. Thời điểm cuối năm 2022 và đầu năm 2023, cơ quan công an đã tiến hành truy quét, xử lý tệ nạn đòi nợ trái pháp luật. Phần lớn những hành vi vi phạm pháp luật đó đến từ những tổ chức cho vay không chính thống như App cho vay ngang hàng và công ty núp danh công ty tài chính, hoặc một số cá nhân không thực hiện đúng quy trình của các công ty tài chính và ngân hàng.
Mcredit ủng hộ hành động của cơ quan chức năng nhằm chấn chỉnh hoạt động thu hồi nợ. Nhưng nhiều người đang có nợ đã nhìn vào đó và cho rằng "tôi khó khăn thì tôi được quyền không trả nợ". Nhiều đối tượng khác thì có khả năng trả nợ nhưng đã lợi dụng tình hình đó để "bùng nợ" luôn.
Rất nhiều nhân viên thu hồi nợ của chúng tôi đi gặp khách hàng ở địa phương còn bị đuổi đánh dù họ thực hiện đúng quy trình. Điều này đã gây nên sự hoang mang rất lớn cho lực lượng thu hồi nợ chính thống, đúng pháp luật. Trong khi đó, nguyên tắc thu hồi nợ của Mcredit là thu hồi nợ nhân văn, tức là khi liên hệ với khách hàng đầu tiên phải xem khách hàng có khó khăn gì và nếu có thì sẽ xây dựng phương án hỗ trợ.
Thêm một hiện tượng khác có lẽ chưa bao giờ nổi cộm như hiện nay là vấn nạn lừa đảo. Điều này có ảnh hưởng ra sao tới các công ty tài chính?
Đây thực sự là một vấn nạn. Vừa rồi, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều trường hợp khách hàng bị lừa đảo vay qua điện thoại. Họ đến đây, mang theo thông báo cho vay, nhưng thật ra đó là những thông báo giả, giả từ cái dấu đến chữ ký. Để vay được một trăm triệu hay năm mươi triệu thì người ta phải nộp trước 5-7 triệu, và cuối cùng họ mất sạch. Có những trường hợp thực sự rất khổ, họ khó khăn thì mới phải đi vay rồi, nhưng cuối cùng còn bị lừa cho mất sạch tiền.
Do đó, việc truyền thông cho người dân là điều cần thiết. Bởi nếu họ tìm đến đúng địa chỉ thì đã không phải chịu bị lừa đảo. Hiện nay nếu có nhu cầu vay, người dân có thể dễ dàng tiếp cận các kênh tài chính chính thống, trong đó có công ty tài chính.
Không chỉ Mcredit mà hầu hết các công ty tài chính đều đã có Multi Channel (Tiếp thị đa kênh), từ kênh số đến nhân viên đến hotline đều có thể tiếp cận rất dễ dàng. Những khách hàng tốt, có nhu cầu thực, không có nợ xấu thì sẽ được phê duyệt cho vay rất nhanh. Ở Mcredit, chỉ trong 5 phút là khách hàng đã có thể được giải ngân khoản vay mà không cần phải đi đâu, không cần phải quỵ luỵ ai và mất bất kì chi phí gì.
Bản thân sản phẩm tài chính tiêu dùng là sản phẩm nhân văn. Với riêng Mcredit, chiến lược của chúng tôi là từ cho vay đến thu hồi nợ đều mang tính chất nhân văn.
Với nhiều thách thức như vậy, liệu thị trường còn cơ hội hồi phục, trở lại thời "hoàng kim" như trước đây hay không?
Nếu khách hàng gặp khó khăn thì chúng tôi - những công ty tài chính cũng khó khăn theo. Do đó, chính sách hỗ trợ cho khách hàng hiện hữu trở thành một nhiệm vụ rất quan trọng, thậm chí là nhiệm vụ số 1, còn quan trọng hơn cả việc cho vay mới, phải tập trung hỗ trợ để khách hàng có phương án trả nợ phù hợp hơn với tình hình tài chính.
Là thành viên của MB Group, Mcredit mang tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt của quân đội và xác định "trong nguy luôn có cơ". Thị trường khó khăn cũng là cơ hội để Mcredit có thể đồng hành với khách hàng, phát triển dịch vụ tốt hơn.
Năm 2021 khi Covid diễn ra mạnh, khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân bị hạn chế. Mcredit đã nhanh chóng tạo ra sản phẩm có thể phục vụ nhu cầu chính đáng của khách hàng, có thêm những quy trình mới để phục vụ khách hàng không tiếp xúc. Chúng tôi là đơn vị đầu tiên triển khai ký kết hợp đồng với khách hàng bằng hình thức giao dịch điện tử.
Thứ hai, chúng tôi cũng đi đầu trong việc áp dụng quy trình phê duyệt mới, sử dụng dữ liệu để dự đoán nhu cầu khách hàng, thẩm định khách hàng thông qua dữ liệu tương tác của khách hàng tại Mcredit và MB để phục vụ kịp thời. Những điều này đã tạo nên sự thay đổi lớn cho Mcredit trong năm 2021-2022.
Với những khó khăn hiện tại, Mcredit mới giai đoạn vẫn lựa chọn chiến lược "lấy khách hàng là trung tâm". Theo đó, Mcredit luôn hướng đến khách hàng, tìm giải pháp cơ cấu nợ, miễn giảm một phần lãi cho những khách hàng thực sự khó khăn. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, đây là cơ hội để chúng tôi nhìn về nội tại xem Mcredit có thể tối ưu thêm những gì. Công thức duy nhất là tiếp tục chuyển đổi số và tối ưu quy trình nội bộ, giúp việc vận hành nhanh hơn, chi phí rẻ hơn. Từ đó, chúng tôi có thể đứng vững trong bối cảnh này, dần dần tự mình thoát khỏi giai đoạn khó khăn chung.
Nếu kỳ vọng trở lại thời kỳ tăng trưởng mạnh, lợi nhuận cao như trước đây thực sự rất khó. Đây là giai đoạn cần tăng trưởng chắc chắn, củng cố lại hệ thống, phục vụ nhu cầu chính đáng của khách hàng.
Hiện nay tỷ lệ số hoá của Mcredit đã đạt đến mức nào?
Hiện nay 100% khách hàng của Mcredit có thể sử dụng nền tảng số, nhưng với mỗi một kênh bán thì hành trình số sẽ ở mức độ khác nhau. Ví dụ, với khách hàng vay mua trả góp thì hiện tại 100% là không giấy tờ và việc cung cấp thông tin, dữ liệu cho Mcredit đã tối giản rất nhiều. Mcredit là một trong những đơn vị đầu tiên tích cực tham gia Đề án 06 của Bộ Công an về dữ liệu dân cư. Khách hàng chỉ cần CCCD gắn chip là hệ thống Mcredit sẽ đọc được đầy đủ thông tin của khách hàng, thay vì trước đây phải điền thông tin vào giấy tờ rất phức tạp.
Đối với khách hàng vẫn mong muốn có tiếp xúc trực tiếp với nhân viên Mcredit tại điểm bán hàng, chúng tôi vẫn có những điểm SIP để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Số hoá đã tạo nên những thay đổi rất lớn cho ngành tài chính. Quy trình để cung cấp một khoản vay ở Mcredit trước đây mất khoảng nửa ngày hoặc 4-5 tiếng đã được coi là rất nhanh, nhưng đến nay quy trình này chỉ mất chưa quá 5 phút, khách hàng đã được giải ngân khoản vay.
Ông nhấn mạnh việc phải đứng vững trong giai đoạn khó khăn này. Vậy Mcredit có chuẩn bị chiến lược cho một tương lai sau này khi thị trường phục hồi?
Việc chuẩn hoá lại toàn bộ hoạt động là bước chuẩn bị quan trọng, chỉ cần có những tín hiệu tốt từ kinh tế vĩ mô, chúng tôi không chỉ phục hồi mà có thể góp phần trong việc tạo ra xu hướng tiêu dùng.
Với bất cứ quốc gia nào, tiêu dùng trong nước luôn là một đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế. Nếu một nền kinh tế có hoạt động tiêu dùng mạnh mẽ, có sản xuất tiêu dùng thì sẽ càng tự chủ. Ví dụ như Nhật Bản, hay trong khu vực có Thái Lan, hàng hoá sản xuất trong nước và phục vụ tiêu dùng trong nước rất lớn, giúp họ có được sự chắc chắn cho nền kinh tế, ít bị sự ảnh hưởng từ thế giới. Việt Nam cũng đã có quá trình tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tuy nhiên độ mở nền kinh tế khá lớn. Do đó, về lâu dài, tiêu dùng nội địa rất quan trọng cho sự phát triển bền vững.
Mcredit chỉ là một đơn vị nhỏ trong bức tranh đó, nhưng chúng tôi cũng hợp tác với các đơn vị có ảnh hưởng lớn để góp phần kích thích nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
So với thị trường, Mcredit xác định lợi thế và sự khác biệt của mình là gì?
Có thể khẳng định, chúng tôi luôn cho vay nhân văn và thu hồi nợ nhân văn. Chất lượng dịch vụ đến từ tầm nhìn của Mcredit là dịch vụ tài chính số thuận tiện nhất cho khách hàng. Bản thân sản phẩm tài chính tiêu dùng này cũng là sản phẩm tiêu dùng nhanh. Để được khách hàng lựa chọn, chúng tôi phải mang đến trải nghiệm thuận tiện nhất.
Nói đến khoản vay thì người ta hay nói đến lãi suất nhưng với ngành này, sự thuận tiện có vai trò còn quan trọng hơn.
Với những khoản vay lớn, lãi suất chênh 10% là mức chênh rất lớn và được cân nhắc nhiều. Nhưng với một khoản vay tiêu dùng chỉ 10 triệu đồng và trả trong 20 tháng, mỗi tháng 500.000 đồng tiền gốc, lãi suất chênh 10% thì tương đương tiền lãi chỉ chênh khoảng 85.000 đồng/tháng. Nhiều khách hàng sẵn sàng chấp nhận mức chênh lệch đó nếu họ có trải nghiệm vay tốt hơn, họ được chăm sóc chuyên nghiệp, được giải ngân nhanh và không phải thực hiện nhiều hồ sơ, thủ tục. Đương nhiên, chúng tôi cũng có những biện pháp để cạnh tranh về lãi suất.
Lợi thế tiếp theo là một hệ thống có quy trình vận hành nhanh và rẻ. Chúng tôi đang chú trọng thực hiện điều đó và đã có những kết quả khả quan.
Thứ ba là về nhân sự. Mcredit coi đây là giai đoạn tạo ra cơ hội học tập phát triển cho nhân sự và thu hút thêm những nhân tài, đặc biệt là nhân sự có mindset về chuyển đổi số.
Ngoài ra còn có lợi thế độc quyền "nho nhỏ" của Mcredit là nằm trong hệ sinh thái của MB – ngân hàng sở hữu lượng khách hàng lớn nhất tại Việt Nam. MB hiện đã có hơn 28 triệu khách hàng và năm nay phấn đấu lên con số 30 triệu. Trong chiến lược phục vụ đa dạng các phân khúc khách hàng của MB có phân khúc vay tiêu dùng. Mcredit có lợi thế tiếp cận được lượng lớn khách hàng đó. Gọi là lợi thế "nho nhỏ" bởi dù có những đối tác lớn như MB, Viettel… thì Mcredit vẫn phải tự lực và tìm cách tối ưu để phát huy tốt nhất lợi thế.
Xin cảm ơn ông!