Gần 14 năm qua, hoạ sĩ Đặng Ái Việt đã vẽ hơn 3.000 tranh chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng ở 63 tỉnh thành nhằm tri ân những đóng góp, hy sinh của họ cho đất nước.
Sáng 27/7, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam diễn ra sự kiện Tâm họa tri ân, trưng bày 63 bức chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng do hoạ sĩ Đặng Ái Việt vẽ, nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).
Họa sĩ Đặng Ái Việt sinh năm 1948, tại Tiền Giang, tên thật là Đặng Thị Bông, là một trong số 5 gương mặt phụ nữ xuất sắc đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Họa sĩ Đặng Ái Việt nguyên là phóng viên Báo Phụ nữ Giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ. Là một chiến sĩ, nghệ sĩ, bà thấu hiểu sự mất mát, đau thương do chiến tranh gây nên và càng trân trọng hơn sự hy sinh của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng. Mong muốn tri ân và trả “Nợ đời, nợ nghiệp, nợ người cố nhân", bà đã thực hiện cuộc hành trình vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng ở khắp mọi miền Tổ quốc khi bước vào tuổi 62.
Chia sẻ tại sự kiện, hoạ sĩ Đặng Ái Việt khẳng định không ai phân công mình đi vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng mà đó là "mệnh lệnh từ trái tim".
"Động lực để tôi có thể đi và vẽ ở tuổi này đó là tình yêu. Hành trình đi đến với các mẹ là hành trình đến với tình yêu cuộc sống. Khi đã yêu cái gì, con người ta có thể vượt qua tất cả trở ngại để tới được nơi cần đến", hoạ sĩ Ái Việt chia sẻ.
Khi thực hiện hành trình trên, mong muốn sâu thẳm trong trái tim của người họa sĩ chính là nội dung của câu thơ mà bà vẫn thường đọc, đó là: “Ta đi đâu phải để cầu danh/ Chẳng phải thiền sư, chẳng thỉnh kinh/ Ta tìm hình ảnh người mẹ Việt/ Để lại ngàn năm cho thế nhân ”.
Họa sĩ Đặng Ái Việt nhớ lại, có lần vượt đèo, vượt núi đến điểm địa đầu Lào Cai, bà hay tin các mẹ ở đây đã không còn nữa. Lần khác, khi đến gặp mẹ Nguyễn Thị Nghí ở xã Đại Minh, Yên Bình (Yên Bái) trong tình trạng bị ốm nặng, bà đã vẽ trong nước mắt.
Hoạ sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ không vẽ nét mặt của các Mẹ Việt Nam Anh hùng mà vẽ cái tâm, nỗi niềm của họ. Chính vì vậy bà luôn gần gũi khi tiếp xúc với các mẹ, để họ coi bà như con, nghe được trải lòng và thấu hiểu.