Chân dung doanh nghiệp khiến 4 cán bộ Vietcombank vướng vòng lao lý, loạt ngân hàng dính nợ xấu trăm tỷ: Từng là doanh nghiệp thủy sản hàng đầu, cựu chủ tịch đã bán sạch cổ phiếu và trốn sang Mỹ

Quốc Thụy 16/07/2024 15:23

Doanh nghiệp này từng liên tục được xếp vào thành viên ưu tú của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Người sáng lập công ty và là chủ mưu vụ án lừa đảo trên cũng từng là một doanh nhân có tiếng trên thường trường và hiện đã trốn ra nước ngoài, sau khi bán sạch cổ phiếu.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã tống đạt các Quyết định khởi tố bị can và Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các đối tượng là cán bộ nhân viên Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) gồm: Nguyễn Tấn Triều; Liệt Lâm; Quách Bảo Nguyên và Võ Đan Vân cùng về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 19 bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trong đó, các bị can gồm: Lưu Bách Thảo, Ngô Văn Thu (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt An); Nguyễn Thanh Hùng (Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bình Minh); Trương Minh Giàu (Giám đốc Công ty TNHH Minh Giàu); Nguyễn Viết Tuyên (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng An Giang) và Lưu Bá Phúc (Giám đốc Công ty TNHH Bách Phúc) và các bị can khác là kế toán các công ty.

Theo kết luận điều tra của cơ quan công an CSĐT kết luận, các bị can Lưu Bách Thảo và Ngô Văn Thu (Tổng giám đốc Công ty Việt An) là chủ mưu, cầm đầu điều hành, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Công ty Việt An; chi phối hoạt động của Công ty Bình Minh, Công ty Minh Giàu, Công ty Bách Phúc, Công ty Việt Hưng và chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng Ngân hàng Vietcombank - An Giang, dẫn đến thiệt hại tài sản cho ngân hàng với tổng số tiền trên 600 tỷ đồng.

Ngoài lập hồ sơ khống vay vốn tại Vietcombank An Giang, Công ty Việt An còn lập và sử dụng nhiều bộ hồ sơ khống để vay vốn tại Agribank Chi nhánh chi nhánh tỉnh An Giang; BIDV chi nhánh An Giang và chi nhánh Bắc An Giang; VDB chi nhánh khu vực Đồng Tháp – An Giang; Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam; Ngân hàng TMCP Quân đội – chi nhánh Chợ Lớn. Tính đến ngày 21/12/2020, Công ty Việt An vẫn còn dư nợ tại các ngân hàng nêu trên gồm nợ gốc là hơn 470 tỷ đồng và hơn 3,7 triệu USD.

Chân dung Công ty cổ phần Việt An

Về Công ty Cổ phần Việt An (Anvifish), tiền thân là công ty TNHH An Giang – Basa được thành lập năm 2004, có trụ sở chính tại phường Mỹ Thới, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang với ngành nghề chính là nuôi trồng và sản xuất thức ăn thủy sản. Công ty chính thức hoat động dưới hình thức công ty cổ phần từ tháng 02/2007.

Đáng chú ý, doanh nghiệp này từng liên tục được xếp vào thành viên ưu tú của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sở hữu hai xí nghiệp chế biến 250 tấn/ngày.

Ngày 23/11/2010, Anvifish đã chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán với mã cổ phiếu phiếu là AVF. Tổng số lượng cổ phần đăng ký niêm yết là 22.500.000 cổ phần tương tương với số vốn điều lệ 225 tỷ đồng. Sau đó, công ty này tăng vốn lên 433 tỷ đồng sau nhiều đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Chân dung doanh nghiệp khiến 4 cán bộ Vietcombank vướng vòng lao lý, loạt ngân hàng dính nợ xấu trăm tỷ: Từng là doanh nghiệp thủy sản hàng đầu, cựu chủ tịch đã bán sạch cổ phiếu và trốn sang Mỹ- Ảnh 1.
Công ty Cổ phần Việt An

Sau khi lên sàn được 3 năm, đến năm 2014, hoạt động kinh doanh của công ty này lao dốc không phanh với mức lỗ sau thuế gần 893 tỷ đồng. Tình trạng thua lỗ liên tục kéo dài trong nhiều năm tiếp theo.

Đến năm 2015 bị hủy niêm yết để chuyển giao dịch về hệ thống UpCOM do vi phạm các quy định niêm yết.

Sau khi lãnh đạo và cựu lãnh đạo bị bắt tạm giam, cổ phiếu của AVF liên tục giảm và bị hạn chế giao dịch khi tổ chức này chậm công bố thông tin quá 45 ngày đối với báo cáo tài chính năm 2020 và không có biện pháp khắc phục.

Cho đến nay, công ty này mới chỉ công bố báo cáo tài chính quý III/2020 và vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2020 cũng như báo cáo cho cả năm 2020.

Đến cuối năm 2023, cổ phiếu AVF của Anvifish đã chính thức bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đình chỉ giao dịch.

Trước đó, giai đoạn 2015 – 2017, công ty kiểm toán KPF liên tục từ chối đưa ra ý kiến đối với các báo cáo kiểm toán và soát xét của Việt An. Từ năm 2018, các kiểm toán viên còn đưa ra kết luận trái ngược với HĐQT và Ban Giám đốc của doanh nghiệp khi cho rằng báo cáo được lập không phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu. Ngoài ra kiểm toán cũng nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty khi lỗ lũy kế vượt vốn góp và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn.

Chủ mưu Lưu Bách Thảo là ai?

Về ông Lưu Bách Thảo – người sáng lập Anvifish và là chủ mưu vụ án lừa đảo nêu trên, ông Thảo được ví như người thuyền trưởng lèo lái con thuyền Anvifish, tạo dựng danh tiếng trên thương trường cho công ty này. Ông Thảo thường có các phát ngôn nói về triết lý kinh doanh như: "Phải biết trân trọng món quà thiên nhiên ban tặng", "Uy tín tạo nên thương hiệu",...

Xuất thân từ kỹ sư cầu đường, ông Thảo nổi lên như cồn ở khu vực các tỉnh miền Tây trong ngành thủy sản. Từ năm 2000 - 2004, ông Thảo thành lập Công ty TNHH xây dựng giao thông công chánh Bách Thảo. Khi cá basa, cá tra lên ngôi, ông Thảo liền rời bỏ ngành nghề mình theo học mà chuyển sang thành lập Công ty Việt An.

Từ tháng 2/2007, ông Thảo nắm chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Việt An. Nhiều thành viên trong gia đình ông Thảo như: Nguyễn Thanh Hùng em rể, các em ruột: Lưu Thuận Thảo, Lưu Thị Phương Thảo, Lưu Hiếu Thảo, Lưu Duyên Thảo... đều nắm số cổ phiếu lớn.

Chân dung doanh nghiệp khiến 4 cán bộ Vietcombank vướng vòng lao lý, loạt ngân hàng dính nợ xấu trăm tỷ: Từng là doanh nghiệp thủy sản hàng đầu, cựu chủ tịch đã bán sạch cổ phiếu và trốn sang Mỹ- Ảnh 2.
Ông Lưu Bách Thảo - Chủ mưu trong vụ lừa đảo

Đầu năm 2014, nhiều vụ kiện của người dân bán cá cho Anvifish không thanh toán được gởi đến tòa. Để chuẩn bị thoái chạy ra khỏi công ty, ông Thảo chuẩn bị màn kịch. Khoảng đầu tháng 6/2014, HĐQT Anvifish tổ chức họp miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc đối với ông Thảo. Ngày 10/7/2014, ông Thảo bán hết cổ phiếu âm thầm sang Mỹ với lý do chữa bệnh.

Ngoài để món nợ khủng cho ngân hàng, Anvifish còn nợ 33 hộ nuôi cá với số tiền trên 127 tỷ đồng. Người dân đã nhiều lần tìm đến công ty nhưng vẫn chưa được hoàn trả số tiền nợ. Nhiều hộ nuôi phải "treo ao", lâm vào cảnh điêu đứng.

Tháng 6/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm đối với ông Lưu Bách Thảo.


Theo An ninh Tiền tệ
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chân dung doanh nghiệp khiến 4 cán bộ Vietcombank vướng vòng lao lý, loạt ngân hàng dính nợ xấu trăm tỷ: Từng là doanh nghiệp thủy sản hàng đầu, cựu chủ tịch đã bán sạch cổ phiếu và trốn sang Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO