Nỗ lực nuôi dưỡng, cứu sống cháu bé mới được 30 tuần thai kỳ của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang đối mặt với nhiều khó khăn khi khoản viện phí khổng lồ vượt quá khả năng gia đình.
Bác sĩ chạy đua với “tử thần” cứu mẹ con thai phụ
Trên giường bệnh khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, nữ bệnh nhân “bụng chửa vượt mặt” đang trong tình trạng hôn mê sâu. Hàng loạt phương tiện hồi sức tích cực gồm hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO); máy thở, máy theo dõi tim thai… vây quanh giường bệnh thai phụ. Các bác sĩ đang ngày đêm túc trực, theo dõi mọi diễn tiến của người mẹ và thai nhi trong nỗi phập phồng lo sợ của gia đình.
BS Nguyễn Lý Minh Duy, người trực tiếp điều trị chia sẻ: ngày 9/6, bệnh nhân Trần Thị Noel (26 tuổi) đang mang thai 30 tuần, được bệnh viện địa phương chuyển đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Thăm khám ban đầu ghi nhận bệnh cảnh suy hô hấp nặng, ô xy máu giảm thấp. Tại khoa Phổi, các bác sĩ đã đặt nội khí quản cho người bệnh thở máy hỗ trợ hô hấp nhưng diễn tiến bệnh không cải thiện, lượng ô xy máu ngày càng giảm thấp dọa tử vong cả mẹ và bé.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã hội chẩn liên chuyên khoa, chẩn đoán bệnh nhân bị suy hô hấp, viêm phổi nặng bởi hội chứng nguy ngập hô hấp cấp (ARDS). Ngay sau đó, Noel được chuyển tới khoa Hồi sức Cấp cứu thực hiện kỹ thuật chạy tim phổi nhân tạo ngoại cơ thể (ECMO) kết hợp máy thở hỗ trợ nâng ô xy máu. Các bác sĩ hi vọng giải pháp hỗ trợ tim phổi nhân tạo, kết hợp dùng kháng sinh, kháng vi rút, điều trị nội khoa tích cực sẽ từng bước nâng đỡ tổng trạng cho thai phụ.
Sau 3 ngày điều trị, bác sĩ đã ngăn chặn được những diễn tiến nguy hiểm thêm của bệnh, tuy nhiên bệnh nhân vẫn trong tình trạng suy hô hấp nặng, sự sống lệ thuộc hoàn toàn vào máy tim phổi nhân tạo, máy thở.
Để dự hậu cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra, Bệnh viện Chợ Rẫy đã hội chẩn cùng Bệnh viện phụ sản Hùng Vương. Các bác sĩ xác định, sự sống của thai nhi đang lệ thuộc hoàn toàn vào mẹ.
Điều trị tích cực giữ lại sự sống, giúp người mẹ dần bình phục, tiếp tục nuôi dưỡng thai nhi là giải pháp tối ưu để bé đạt tuổi thai trưởng thành. Tuy nhiên, bé cũng trong tình trạng bị thiếu ô xy máu nặng, nguy cơ thai lưu, các bác sĩ đã chích thuốc trợ phổi, dùng máy theo dõi tim thai, sẵn sàng cho tình huống bất đắc dĩ phải chấm dứt thai kỳ.
Gia đình đuối sức trước khoản viện phí “khổng lồ”
Bên giường bệnh của vợ, anh Phan Văn Hận (26 tuổi) nghẹn ngào: “4 năm trước ba em mất vì tai nạn giao thông. Sau đó, cách đây cũng gần 4 tháng thì đến mẹ em bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, dập nát vùng mặt, được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tận tình cứu chữa mới qua được nguy kịch.
Với gian hàng nhỏ buôn bán ở chợ Bầu Sậy, thị trấn Vĩnh Hưng, Long An, vợ chồng em dành dụm cũng đủ trang trải những khoản chi phí sinh hoạt trong gia đình, nuôi mẹ bệnh và con gái 6 tuổi ăn học, hi vọng vực dậy kinh tế gia đình sau nhiều sóng gió”.
Thời điểm mẹ chồng gặp tai nạn cũng là lúc Noel phát hiện mình mang thai bé thứ 2. Giai đoạn thai nghén những tháng đầu qua đi trong bồn bề công việc và lo lắng cho sinh mạng của mẹ chồng chưa lắng xuống thì khi đi khám thai vào đầu tháng thứ 3, bác sĩ tại bệnh viện địa phương chẩn đoán không chính xác về sự phát triển của thai nhi.
"Nghe thai nhi phát triển không bình thường, vợ em khóc nghẹn. Em quyết định đưa vợ lên Bệnh viện Hùng Vương kiểm tra lại thì bác sĩ nói thai phát triển bình thường. Từ ngày đó, vợ em như được sống lại, em bé được Noel yêu thương vô bờ, cẩn thận đến từng bước đi", Phan Văn Hậu chia sẻ.
Hậu kể, "tai họa ập đến với hai mẹ con, từ tình trạng cảm cúm tưởng như vô hại. Vợ em mệt nhưng cố gắng gượng vì sợ uống thuốc sẽ ảnh hưởng đến con.
Đến ngày thứ 3, tình trạng bệnh có biểu hiện nặng với những cơn đau đầu sốt cao, khó thở. Em đưa vào bệnh viện khám, bác sĩ cho toa về nhà điều trị, nhưng mới uống được 2 liều thuốc thì vợ em có biểu hiện lơ mơ, khó thở nhiều.
Sau khi vào bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ thăm khám rồi chuyển thẳng lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Em không ngờ tình trạng bệnh của vợ lại nặng thế này”.
Theo BS Nguyễn Lý Minh Duy, kỹ thuật ECMO đang thực hiện cho bệnh nhân Noel, rất tốn kém. Dù bệnh nhân có bảo hiểm y tế nhưng chi phí đặt máy đã tốn hơn 100 triệu đồng, tổng viện phí cho vận hành ECMO và các khoản điều trị khác của bệnh nhân tốn khoảng 20 đến 30 triệu đồng mỗi ngày.
Nếu bệnh diễn tiến khả quan, thời gian điều trị dự kiến khoảng 2 tuần. Hiện gia đình mới đóng được 85 triệu đồng, đang còn âm viện phí khoảng 60 triệu. Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để giữ lại sự sống cho mẹ con thai phụ, nhưng nếu không có máy móc và vật tư y tế, bác sĩ cũng chẳng thể làm gì hơn.
Đặt bàn tay lên bụng bầu của cô con gái đang nằm bất động trên giường bệnh, bà Nguyễn Thị Cương (52 tuổi) nghẹn ngào: “Đừng bỏ cuộc, cố lên con gái của mẹ…”.
Người mẹ gạt nước mắt tâm sự: “Cả con gái và con rể tôi đều chịu khó làm ăn. Nếu tai nạn, bệnh tật không liên tiếp ập đến với gia đình thì việc buôn bán cũng có chút vốn để dành. Tôi thì làm nông, thu nhập theo mùa vụ, bây giờ con bệnh cần số tiền quá lớn, trong thời gian ngắn chúng tôi không thể nào xoay xở kịp.
Khoản tiền 85 triệu đóng vào bệnh viện tôi mượn được 50 triệu, số còn lại là tiền vợ chồng Noel tích cóp để chuẩn bị cho ngày sinh nở. Tôi đang nhờ người thân vay mượn nhưng chưa thấy ai trả lời. Nếu không điều trị tiếp, tôi chẳng những mất con mà còn mất cả cháu”.
(Theo Dân Trí)